Làm giàu từ kinh tế gia trại, trang trại
Những năm qua, kinh tế gia trại, trang trại đã giúp hàng nghìn hộ nông dân Điện Biên vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Mô hình gia trại giúp nông dân ổn định đời sống.
Đáng chú ý, chủ các gia trại, trang trại chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Thái, 537 hộ, chiếm 53,1%; dân tộc Mông: 232 hộ, chiếm 22,9%… Đẩy mạnh phát triển gia trại, trang trại đã góp phần nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho nhân dân, tăng vốn rừng và cải thiện môi trường sinh thái.
Kinh tế gia trại, trang trại đã giúp đưa thu nhập bình quân toàn tỉnh Điện Biên năm 2015 đạt 23,2 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 28,01% (năm 2015).
Tại huyện Tuần Giáo, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn lựa chọn các mô hình gia trại, trang trại tổng hợp để phát triển như đào ao thả cá, trồng cây ăn quả, trồng cà phê, trồng táo mèo; hay chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa và trồng rừng lấy gỗ…
Đến đầu năm 2016, chỉ tính riêng Hội Nông dân huyện Tuần Giáo đã đứng ra ủy thác vay vốn cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất với số tiền gần 64 tỷ đồng. Nhờ đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình sản xuất, chăn nuôi giỏi.
Đến nay, trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã có hơn 200 mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp với mức thu nhập từ 50 - 400 triệu đồng/năm.
Như mô hình trang trại chăn nuôi tập trung của gia đình chị Nguyễn Kim Thắng ở đội 11, xã Thanh Hưng. Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm, chị Thắng xuất ra thị trường khoảng 40 tấn lợn thịt, 12 tấn vịt thịt.
Ngoài ra tạo việc làm thường xuyên cho 4 nhân công lao động, với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Đến nay, trang trại của chị cho thu nhập mỗi năm trên 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 600 - 700 triệu đồng/năm. Huyện Điện Biên hiện cũng có hơn 300 mô hình gia trại, trang trại hoạt động hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cho nông dân.
Phong trào phát triển kinh tế gia trại, trang trại đã lan rộng ra nhiều địa phương của tỉnh Điện Biên. Theo đó, các mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở Điện Biên đang phát triển khá mạnh cả về số lượng và quy mô, cho thu nhập cao, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.
Tỉnh đã chủ động chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi; từng bước quy hoạch các vùng chuyên canh về chăn nuôi, trồng trọt.
Đồng thời, các địa phương cũng từng bước có biện pháp liên hệ tìm đầu ra và giới thiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo cơ hội để các mô hình kinh tế trang trại, gia trại phát triển ổn định.
Tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế gia trại, trang trại là các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông và thành phố Điện Biên Phủ.
Bà Cao Thị Tuyết Lan- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cho biết: Trên cơ sở đẩy mạnh các phong trào hoạt động của Hội, phong trào nông dân làm kinh tế gia trại, trang trại đã có bước phát triển ở nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh đa dạng, phong phú.
Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, cổ vũ đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên về phát triển kinh tế gia trại, trang trại.
Đồng thời đẩy mạnh chương trình phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện giúp đỡ cho các hộ về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, vật tư phân bón… cũng như tạo cơ hội thuận lợi để nông dân tham gia liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong việc phát triển các mô hình kinh tế gia trai, trang trại theo hướng bền vững.
Do đó, đến nay toàn tỉnh đã có trên 1.000 gia trại, trang trại với nhiều quy mô khác nhau, giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho hàng nghìn lao động.
Với hướng đi đúng, hiệu quả, việc phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại đã và đang góp phần thay da đổi thịt những vùng khó của tỉnh Điện Biên.