Vẫn phức tạp nạn buôn, bán người
Việt Nam có đường biên giới dài với nhiều quốc gia, nhiều cửa khẩu biên giới được mở để người dân giao lưu buôn bán, việc đi lại qua biên giới tiện lợi là điều kiện để bọn buôn người hoạt động. Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức là biện pháp quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người.
Chia sẻ tại một Hội nghị mới đây, ông Phạm Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, nạn nhân buôn bán người ngoài phụ nữ và trẻ em thì còn xuất hiện trẻ sơ sinh, nam giới. Theo ông Tùng, tình hình buôn bán người được phát hiện ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đặc biệt là ở các địa phương biên giới, giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Thống kê cho thấy, trong năm 2015 cả nước phát hiện 407 vụ mua bán người với 655 đối tượng phạm tội, lừa bán 1.000 nạn nhân. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 174 vụ buôn bán người với 232 đối tượng lừa bán 351 nạn nhân.
Trong các mục đích buôn bán người, mại dâm và hôn nhân cưỡng bức vẫn là phổ biến nhất. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em mà đặc biệt là ở các địa phương phía Bắc vẫn phức tạp.
Ông Tùng cho biết với nhiều nỗ lực của cơ quan chức năng, trong năm 2015, tổng số vụ buôn bán người giảm 13% so với năm 2014; công tác tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân đạt trên 60%, tăng 10% so 2014; tỷ lệ điều tra trên 85%; xét xử đạt gần 100%.
Những năm qua, Việt Nam đã dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, triển khai mạnh mẽ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, giúp nhiều nạn nhân được trở về với cộng đồng.
Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Thu Phương - đại diện Dự án Liên minh các tổ chức Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm buôn bán người tại Việt Nam (UNIAP) cho biết phụ nữ, trẻ em, nam giới ở Việt Nam bị bán xuyên biên giới sang các nước khác.
Phụ nữ bị bán chủ yếu vì mục đích mại dâm, làm vợ; trẻ em thì chủ yếu là bị bóc lột sức lao động, ăn xin; còn nam giới thì bị bóc lột sức lao động. Buôn bán người diễn ra ở cả nội địa và xuyên biên giới.
Mua bán người ngày càng tinh vi và nhiều thủ đoạn, có nhiều hình thức buôn bán người mới xảy ra như buôn bán trẻ sơ sinh, buôn bán bào thai, nội tạng và một hình thức buôn bán mới nhất gần đây là đẻ thuê.
Cũng theo bà Phương, sự hiểu biết của người dân về pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống mua bán người nói riêng còn rất hạn chế. Chỉ khi người dân hiểu được mua bán người là một loại tội phạm nghiêm trọng, sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc thì các đối tượng sẽ e ngại khi quyết định thực hiện hành vi phạm tội này.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện chính sách pháp lý và hành động để phòng chống mua bán người. Gần đây, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bổ sung, sửa đổi một số quy định về mua bán người đề phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế về tội phạm buôn bán người; bổ sung 2 tội danh là cưỡng bức lao động và mua bán nội tạng.
Riêng năm 2015, cơ quan chức năng giải cứu 650 nạn nhân, 80% nạn nhân được hỗ trợ ban đầu, 65% nạn nhân được trợ cấp khó khăn, học nghề; truyền thông về nạn buôn bán người được đẩy mạnh…Cũng theo ông Phạm Hoàng Tùng, mua bán người có tính chất toàn cầu, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia và đòi hỏi sự hợp tác quốc tế trong vấn đề này.