Hiện có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B

Thu Hải 15/11/2016 10:19

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, virus viêm gan là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và là tác nhân gây ung thư thứ 2, chỉ sau thuốc lá. Hàng năm có khoảng 1 triệu người tử vong do những biến chứng mà virus viêm gan gây ra. Hiện ở Việt Nam, có đến 20% dân số mắc căn bệnh này.

Hiện có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B

Hãy đưa trẻ đi tiêm phòng vắcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu tiên sau sinh.

“Kẻ giết người thầm lặng”

Viêm gan B là một loại bệnh viêm gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), thế giới hiện có 400 triệu người mắc viêm gan B mạn tính. Người bị nhiễm HBV trong 6 tháng đầu được xem là viêm gan B cấp tính.

Trong giai đoạn này lá gan bị sưng, một số trường hợp may mắn, bệnh không cần chữa cũng hết vì gan có khả năng chống lại siêu vi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhiễm siêu vi gan B, lá gan vẫn bị sưng, trường hợp này gọi là kinh niên hoặc mãn tính. Sau đó siêu vi HBV tiếp tục sinh sôi và tàn phá gan.

HBV cũng thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể con người mà không bị phát hiện. Các biểu hiện khi nhiễm bệnh (đặc biệt khi nhiễm HBV mãn tính) rất mờ nhạt, khó nhận biết và dễ gây nhầm lẫn như chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa…

Với những biểu hiện dễ nhầm lẫn đó nên đa số người nhiễm HBV không biết mình mắc bệnh, càng làm khả năng lây nhiễm sang người khác (khi quan hệ tình dục, mang thai, tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể người mắc).

Mặt khác, khi không biết mình mang mầm bệnh, con người không có ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe lá gan. Uống nhiều rượu bia, ăn đồ ăn nhanh, làm việc căng thẳng, lối sống không lành mạnh, …là điều kiện để virus HBV âm thầm “tấn công” gan trong một thời gian dài, hủy hoại các tế bào gan, gây nên xơ gan, ung thư gan.

Về vấn đề này theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tấn Cường, Giám đốc y khoa Bệnh viện Quốc tế Thành Đô, bệnh viêm gan siêu vi B thường phát triển theo các giai đoạn: viêm gan siêu vi B cấp, viêm gan siêu vi B mạn và những người lành nhưng mang mầm bệnh trong cơ thể.

Viêm gan siêu vi B cấp thường có biểu hiện giống như cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, sụt cân, ăn kém ngon, ngứa khắp người. Người bị bệnh nặng hơn có thể gặp các triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm.

Khi chuyển sang giai đoạn viêm gan siêu vi B mạn tính thì người bệnh hầu như không có triệu chứng và luôn cảm thấy sức khỏe bình thường hoặc đôi khi mệt mỏi, chán ăn. Hậu quả nghiêm trọng nhất của người bị viêm gan siêu vi B mạn tính là xơ gan với các biến chứng như có dịch trong ổ bụng, chảy máu đường tiêu hóa, ung thư.

Nếu bệnh nhân đã chuyển sang xơ gan thường khó hồi phục mặc dù tình trạng viêm gan được cải thiện. Vì vậy cần điều trị bệnh sớm nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình xơ gan. Khoảng 10-20% bệnh nhân xơ gan có thể biến thành ung thư gan.

Bệnh nhân bị nhiễm virus B có xác suất ung thư gan cao nhiều lần người bình thường. Tại Việt Nam 60-70% ca ung thư gan có nhiễm virrus B, 20% nhiễm virus C.

Với những trường hợp bị nhiễm viêm gan siêu vi B, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân ngoài việc điều trị theo đúng phác đồ của các thầy thuốc chuyên khoa thì cần chú tâm đến chế độ ăn uống.

Người bị viêm gan siêu vi B nếu ở giai đoạn ổn định thì chế độ ăn như người bình thường, tức là cần ăn đa dạng và cân đối đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: đường (cơm, mì, bắp, khoai…), béo, đạm, khoáng chất: rau củ quả.

Không nên ăn quá nhiều thứ này mà thiếu thứ kia. Nên thay đổi chế độ ăn uống như hạn chế uống rượu. Người nghiện rượu mắc bệnh viêm gan B thường hay bị xơ gan hơn. Khi có dấu hiệu xơ gan nên giảm muối trong chế độ ăn.

Tiêm phòng cho trẻ trong 24 giờ đầu tiên sau sinh

Phụ nữ có thai khi bị viêm gan B có nguy cơ truyền bệnh sang cho con trong khi sinh là rất cao. Những trường hợp trẻ sinh ra mắc viêm gan B có tới 90% sẽ chuyển thành viêm gan B mạn tính. Cần phải chích ngừa cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh để hạn chế tới mức thấp nhất trường hợp lây nhiễm.

Theo Tiến sỹ Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia thì hiện nay tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu cũng chỉ duy trì được ở mức 50-60%.

Đây là điều can thiệp rất hiệu quả nhưng chưa đạt được như mong muốn. 7 tháng đầu năm vẫn có 22 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu dưới 30%, có những tỉnh tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt 11-12%. Đó là các tỉnh, thành phố như: Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên, Lạng Sơn, Gia Lai, Nghệ An, Lai Châu, Quảng Bình, Bình Định, Hải Phòng, Bắc Giang.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, theo tiến sỹ Hồng do những ảnh hưởng của phản ứng sau tiêm chủng khiến cán bộ y tế e ngại, chống chỉ định, hoãn tiêm. Bên cạnh đó, một số bệnh viện chưa nỗ lực triển khai, nhiều bà mẹ có tâm lý trì hoãn, từ chối tiêm vắcxin do sợ phản ứng cho trẻ.

Ngoài ra, tiêm viêm gan B sơ sinh chủ yếu tại bệnh viện, các trạm y tế chưa triển khai do không có tủ lạnh bảo quản, không sẵn có vắcxin. Vì vậy trẻ sinh tại nhà ở vùng miền núi, vùng khó khăn không có cơ hội tiêm chủng vắc xin viêm gan B sơ sinh tại nhà.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng.

Nhiều người thắc mắc, vậy người lớn có thể tiêm phòng vắcxin được không. Các bác sĩ cho rằng, đây là bệnh có thể dự phòng được bằng văcxin an toàn và hiệu quả. Hiệu quả của văcxin viêm gan B đạt 95% trong ngăn ngừa lây nhiễm và các hậu quả mãn tính của nó.

Mỗi người có thể làm xét nghiệm tầm soát viêm gan B, nếu chưa nhiễm bệnh và chưa có kháng thể chống virus này thì nên tiêm ngừa 3 liều văcxin phòng viêm gan siêu vi B theo lịch tiêm chủng của các trung tâm y tế và chỉ định của bác sĩ.

Virus viêm gan B lây truyền qua 3 con đường chủ yếu là: truyền máu, tình dục và mẹ truyền sang con. Virus viêm gan B sống bền hơn virus HIV rất nhiều lần. Trong điều kiện bình thường ở ngoài môi trường tự nhiên nếu virus HIV không thể tồn tại lâu ở ngoài cơ thể và không có khả năng lây nhiễm thì một virus viêm gan B vẫn có thể sống được 1 tháng.

Thu Hải