Đồ chơi Trung thu truyền thống
Cứ đến dịp Tết Trung thu, câu chuyện về đồ chơi truyền thống cho thiếu nhi lại được nhiều người quan tâm. Giữa muôn vàn những đồ chơi hiện đại, bắt mắt thậm chí là độc hại, đồ chơi truyền thống của người Việt dành cho trẻ em trong mùa trăng tháng Tám thật đáng tự hào. Nhưng nhiều ý kiến còn băn khoăn, đã bước vào thế kỷ 21, đồ chơi Trung thu truyền thống của chúng ta vừa ít vừa đơn điệu.
Mặt nạ giấy bồi.
Giữ hồn Trung thu
Lê Bích là một nhà nhiếp ảnh nặng lòng với di sản văn hóa dân tộc. Gần chục năm nay, anh đã đến nhiều làng nghề làm đồ chơi truyền thống cho trẻ em ở phía Bắc. Đi đến đâu anh cũng tìm hiểu, chụp ảnh kỹ càng từng công đoạn sản xuất.
Trung thu năm nay, tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc, Hà Nội), Lê Bích đã chọn ra 10 bộ ảnh để kể 10 câu chuyện về “Những người giữ hồn Trung thu”.
Ở đó vang lên niềm tự hào về những giá trị văn hóa dân gian, với chiếc tàu thủy sắt, chiếc mặt nạ giấy bồi, hay những con thiên nga nhồi bông kiêu sa… Nhưng ở đó, Lê Bích cũng muốn kể những câu chuyện về sự phôi pha, mất còn của những đồ chơi truyền thống.
Lê Bích kể, anh đã tìm về làng Gạo (Vụ Bản, Nam Định) nhiều lần, và không khỏi bùi ngùi khi thấy ngôi làng nổi tiếng chuyên làm lân sư một thời giờ chỉ còn 3 gia đình theo nghề. Bên cạnh đó, anh cũng chạnh lòng khi thấy các đầu lân Việt lại sặc sỡ và khá giống với đầu lân Trung Quốc.
Hay chuyện về những cánh thiên nga bông rất đặc biệt, từng đi vào giấc mơ của các cô bé, cậu bé một thời nay cũng đang đứng trước nguy cơ mai một.
Theo Lê Bích, hiện ở Hà Nội chỉ còn gia đình bà Vũ Thị Minh Tâm ở 79 phố Hàng Lược làm những con thiên nga bông để bán ở phố cổ mỗi dịp Trung thu về. Ngày xưa dịp Trung thu bà bán khoảng 1.000 lẵng thiên nga bông, nhưng nay may ra bán được khoảng 100 lẵng.
Một vài món đồ chơi truyền thống khác cũng từng được trẻ em yêu thích, đó là những chiếc mặt nạ giấy bồi. Hiện cả khu phố cổ Hà Nội chỉ còn duy nhất gia đình ông Hòa - bà Lan ở 73 Hàng Than làm. Giữa những chiếc mặt nạ hiện đại du nhập vào bán tràn lan trên phố, đồ chơi mặt nạ giấy bồi khá lép vế.
Hay như đồ chơi ông tiến sĩ giấy cũng vậy. Ngày trước, món đồ chơi ông tiến sĩ giấy cũng rất được ưa chuộng. Trên mâm cỗ Trung thu, nhiều gia đình bày ông tiến sĩ giấy với mong muốn các em nhỏ học hành chăm chỉ, thành đạt và ngoan ngoãn.
Đến nay, một số bậc phụ huynh vẫn tìm mua những ông tiến sĩ giấy như một cách giáo dục con cháu mình với truyền thống văn hóa dân gian Việt Nam.
Tuy vậy, số người mua không nhiều, vì thế, rất nhiều người làm ông tiến sĩ giấy đã bỏ nghề. Đến nay, chỉ còn nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) là bền bỉ với công việc này.
Tàu thủy sắt tây.
Đơn điệu, chưa hấp dẫn
Ở Hà Nội, khu vực bán nhiều đồ chơi cho trẻ em là khu phố cổ, tập trung nhất là phố Hàng Mã. Ở đây những cửa hàng bày bán quanh năm, nhưng đến Trung thu không khí rất rộn ràng. Nhất là vào ban đêm, cả phố lung linh ánh đèn, với nhiều tiếng nhạc phát ra từ các món đồ chơi hiện đại. Điều đó tạo nên không gian vô cùng hấp dẫn.
Lê Bích cho biết, hầu hết những chiếc đèn ông sao bán ở phố Hàng Mã đều được làm ở làng Báo Đáp (xã Hồng Quang - Ninh Trực - Nam Định) nằm cách TP. Nam Định 8km. Hiện cả làng có khoảng 100 hộ làm nghề này.
Hàng năm, Báo Đáp sản xuất ra khoảng 1,5 triệu cây đèn bán khắp miền Nam, Bắc. Trung bình một hộ nếu làm từ tháng Giêng thì Trung thu xuất ra được khoảng 15.000 - 20.000 đèn các loại. Còn gia đình nào sát đến Trung thu mới làm thì chỉ xuất được khoảng 5-8.000 đèn.
Tuy nhiên, các món đồ chơi Trung thu truyền thống của Việt Nam vẫn khá lép vế. Sự đa dạng, phong phú của những món đồ chơi hiện đại đang lấn át, và sự thực, hấp dẫn được trẻ nhỏ hơn.
Theo nhiều chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, mấy năm nay đồ chơi Việt Nam cũng đã khởi sắc, đa dạng hơn. Có những mẫu mã có thể cạnh tranh với hàng nhập lậu từ nước ngoài vào. Đồ chơi truyền thống như mặt nạ giấy bồi, ông tiến sĩ giấy, đèn ông sao… cũng dễ dàng tìm thấy trên khu phố Hàng Mã này.
Nhưng thật tiếc, đó chưa phải là những mòn đồ bán chạy nhất. Chị Nguyễn Diệu Anh (ở chung cư CT14, Trung Hòa, Nhân Chính) nhận xét: “Đồ chơi truyền thống Việt Nam vẫn đơn điệu quá, không chịu cải tiến mẫu mã”. Chị Diệu Anh cho biết, năm ngoái chị đã mua mặt nạ giấy bồi và tàu thủy sắt tây cho cậu con trai 8 tuổi.
Năm nay trước Tết Trung thu hơn 1 tuần, chị đưa con trai đến phố Hàng Mã, nhưng con trai chị nhất quyết không chọn những món đồ chơi truyền thống nữa. “Cháu nói rằng vẫn là những món đồ chơi cũ, không có gì thay đổi, nên không chọn được mẫu nào”, chị Diệu Anh nói.
Chung quan điểm này, anh Tô Văn Hưng (Thanh Xuân Bắc - Hà Nội) cho rằng, dù rất ủng hộ đồ chơi truyền thống nhưng không thể bắt ép con chơi được. Khi các cháu dưới 4 tuổi bố mẹ còn có thể mua cho con theo ý chủ quan của mình, nhưng trên 4 tuổi, các cháu đã có sự chủ động hơn. Trẻ con thích những món đồ chơi mới lạ, sinh động.
Cần có sự thay đổi
Ai cũng công nhận những đồ chơi truyền thống là quý, cần phải giữ gìn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần có những cải tiến để đồ chơi truyền thống của Việt Nam trở nên hấp dẫn, phù hợp với trẻ con thời hiện đại.
Theo đó, mẫu mã cần sáng tạo thêm, màu sắc cũng cần bắt mắt hơn. Những chiếc mặt nạ giấy bồi sẽ trở nên đắt hàng, nếu bên cạnh những mẫu truyền thống có thêm nhiều mẫu mới, với những nhân vật hoạt hình được trẻ em yêu thích.
Mấy năm gần đây, một số gia đình ở thôn Đan Viên (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) - nơi nổi tiếng với những chiếc đèn kéo quân (đèn cù) cũng có những cải tiến. Bên cạnh những chiếc đèn cù thắp nến truyền thống, người làng Đan Viên còn chế tạo ra đèn cù có gắn thêm động cơ điện mini và thắp sáng bằng bóng đèn điện loại nhỏ để các bé dễ chơi…
Với chiếc đèn ông sao cũng vậy. Hiện nay đã ra nhiều kích thước khác nhau, trang trí cũng đa dạng. Tuy nhiên, đã đến lúc cần có những sáng tạo mới để phù hợp với trẻ nhỏ sống ở những đô thị, hay khu chung cư.
Chiếc đèn ông sao truyền thống rất đẹp, khi thắp nến đi trong đêm tạo vẻ lung linh huyền ảo. Song việc thắp nến cũng chỉ phù hợp với những cô bé, cậu bé từ 6 tuổi trở lên và sống ở những khu vực nông thôn, vùng sâu vùng sa, nơi có những khoảng sân chơi rộng rãi. Còn với đa số trẻ nhỏ sống ở thành thị, việc thắp nến có thể gây nguy hiểm, dễ dẫn tới cháy nổ, thậm chí bị bỏng.
Chính bởi vậy, theo các chuyên gia, việc cải tiến để đồng thời đưa ra những sản phẩm mới sẽ giúp chiếc đèn ông sao nói riêng, đồ chơi truyền thống nói chung có thêm những cơ hội đến với người tiêu dùng.
Theo đó, những làng nghề cũng sẽ có thêm việc làm, đời sống của các nghệ nhân nặng lòng với đồ chơi con trẻ sẽ dần dần khá hơn.
Có một ví dụ về sự đổi mới các sản phẩm đồ chơi truyền thống được cộng đồng đón nhận. Đó là trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng ở Khương Hạ (Hà Nội). Anh Hùng lâu nay được nhiều người biết đến với những chiếc tàu thủy sắt tây. Món đồ chơi gắn bó và được trẻ em yêu thích một thời. Nay cả Hà Nội cũng chỉ còn một mình gia đình anh Hùng làm.
Nhưng giữa sự thay đổi rất nhanh, rất sáng tạo của đồ chơi hiện đại, những chiếc tàu thủy sắt tây ngày càng ít được trẻ em yêu thích, biết đến. Chính vì vậy, anh Hùng không chỉ biết tạo ra các con tàu đẹp mắt mà còn biết kết hợp với các công ty du lịch để đưa khách đến thăm nhà và bán hàng ngay tại xưởng của mình.
Tiếp xúc với những làng nghề, Lê Bích cho rằng việc sáng tạo, làm mới từ nghệ thuật, sản phẩm thủ công nói chung là hết sức cần thiết. Đối với đồ chơi Trung thu thủ công thì cũng phải có đầu tư nghiên cứu để phù hợp với thì hiếu và sự văn minh của xã hội hiện đại.
Ví dụ như mặt nạ giấy bồi, một số cha mẹ còn ngần ngại vì có mùi giấy báo và mùi sơn khi đeo vào mặt, hoặc đèn kéo quân đốt nến để quay cũng gây cảm giác bất an cho bố mẹ các bé...
“Tôi nghĩ nhất thiết cần có những khuôn mẫu chuẩn truyền thống để trưng bày tham chiếu bên cạnh đó các nghệ nhân kết hợp với những nhà đầu tư tìm ra những sản phẩm mới trên nên truyền thống thỏa mãn yêu câu mới trong bối cảnh mới”, nhiếp ảnh gia Lê Bích nói.
Đồng thời, theo anh, việc truyền thông quảng bá cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu trẻ em không được tiếp cận thông tin đầy đủ có định hướng về những món đồ chơi thủ công truyền thống thì sẽ là thiệt thòi lớn.
Khi các em có tình yêu với truyền thì khi lớn lên sẽ có ý thức giữ gìn bảo tồn và phát triển. Tình yêu quê hương đất nước sẽ chắp cánh cho những sáng tạo mới.