Gỡ vướng thủ tục hành chính

Thanh Giang 16/11/2016 09:35

Ngày 15/11, UBND TP HCM họp góp ý cho kế hoạch chương trình hành động thực hiện cải cách hành chính của thành phố giai đoạn 2016 – 2020.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, thành phố sẽ cải cách hành chính xây dựng chính quyền điện tử. Lý do, nhiều nhà đầu tư hiện nay cảm thấy lo lắng nhất là thủ tục hành chính. Thành phố sẽ giúp họ vượt qua trở ngại này.

Đại diện lãnh đạo UBND TP HCM cho biết, thời gian qua nhiều sở ngành rơi vào tình trạng quá tải trong việc xử lý thủ tục vì tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính thành phố khá nhiều so với các tỉnh thành khác. Đơn cử, chỉ riêng Cục Thuế thành phố bình quân 1.000 hồ sơ/ngày, Sở Kế hoạch - Đầu tư khoảng 1.500 hồ sơ/ngày, Sở Tư pháp cũng khoảng trên 1.500 hồ sơ/ngày,… Nhằm đảm bảo xử lý hồ sơ một cách nhanh nhất, một số sở ngành nỗ lực cải cách hành chính thông qua cách xử lý điện tử. Trước những tồn tại, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư khẳng định, sở đang cố gắng thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ nhưng nhiều vấn đề phải xin ý kiến bộ ngành, còn quận - huyện không tha thiết thực hiện.

Theo đánh giá của đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố, các quận - huyện lơ là và không phấn khởi hỗ trợ nhà đầu tư. Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố, các sở ngành nỗ lực kêu gọi nhà đầu tư, sau đó giới thiệu về cho quận - huyện. Thay vì, quận - huyện phải chỉ đạo các phòng ban tiến hành thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án một cách nhanh nhất có thể thì quận - huyện lại thờ ơ. Điều này vô hình trung mất đi sự tin tưởng của nhà đầu tư đối với địa phương.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, thành phố sẽ cải cách hành chính xây dựng chính quyền điện tử. Lý do, nhiều nhà đầu tư hiện nay cảm thấy lo lắng nhất là thủ tục hành chính. Thành phố đang cố gắng giúp doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều vượt qua trở ngại này.

Nói về công tác cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới của TP HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo các sở ngành, quận – huyện cần tập trung công khai minh bạch thủ tục hành chính, hiện còn 500 bộ thủ tục cần phê duyệt công khai. Song song đó, thành phố nỗ lực xây dựng cơ chế một cửa liên thông. TP HCM đã đi khảo sát các tỉnh như Quảng Ninh, Đà Nẵng,… để học tập mô hình chính quyền điện tử. Tuy nhiên, thành phố sẽ không áp dụng như các tỉnh – thành trên vì thành phố có đặc thù riêng. Hồ sơ tiếp nhận trong một ngày rất lớn mà về một trung tâm thì không giải quyết nhanh được. “TP HCM sẽ có cách làm riêng vì vấn đề này liên quan đến Nghị quyết Đảng bộ cho nên cần sự đồng ý. Thành phố sẽ có hai hình thức thực hiện một cửa liên thông”, ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.

Dự kiến, cách thứ nhất là tập trung xử lý văn bản vào 4 sở như: Sở Kế hoạch – Đầu tư, sở Xây dựng, sở Tài nguyên Môi trường, Tư pháp. Theo đó, Sở Xây dựng hoàn thiện quy định một cửa tại sở Xây dựng để trình ủy UBND thành phố. Sở Thông tin truyền thông thẩm định quy trình thực hiện, còn trường hợp các sở tự làm thì chỉ mang tính chất vận động. Sau phương án liên thông thứ nhất, thành phố thực liên thông trực tuyến, các sở ngành với nhau và liên thông với các quận – huyện.

Chính quyền TP HCM đang đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 tất cả cơ quan hành chính thành phố từ đều thực hiện một cửa liên thông điện tử, kết nối các sở ngành, quận – huyện với nhau đáp ứng nguyện vọng xử lý hồ sơ nhanh nhất, hiệu quả nhất của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thanh Giang