Cháy di tích: Nỗi lo lơ lửng
Sau vụ cháy nhà Tổ chùa Tĩnh Lâu (quận Tây Hồ-Hà Nội), dư luận đang đặt câu hỏi về việc thực hiện qui định phòng cháy chữa cháy ở các di tích hiện nay. Bộ VHTT&DL cho hay, yêu cầu tăng cường quản lý di tích, phòng chống cháy nổ, trộm cắp cổ vật được cơ quan này đôn đốc các địa phương, các Ban quản lý (BQL) di tích thường xuyên. Chỉ có điều việc thực hiện chưa nghiêm nên lâu lâu lại xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Hiện trường sau vụ hỏa hoạn chùa Tĩnh Lâu. (Ảnh: Đình Tuệ).
Văn bản có…
Liên tiếp các năm qua, nhiều di tích đã bị “bà hỏa” viếng thăm và thiêu rụi. Đó là hương án 300 năm tuổi và một phần phủ thờ ở di tích đặc biệt chùa Bút Tháp (Bắc Ninh); hỏa hoạn ở đền thờ Lê Lai (Thanh Hóa), chùa Hội Sơn - phố cổ Hội An (Quảng Nam); cháy nhà Lang (nhà của quan lang) tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường ở tỉnh Hòa Bình. Mới đây nhất là nhà Tổ thuộc di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Thanh Lâu (hay còn gọi chùa Tĩnh Lâu, quận Tây Hồ-Hà Nội) đã bị cháy chỉ còn trơ lại bộ khung. Đến thời điểm này cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Nhưng qua nhận định sơ bộ có thể cháy do chập điện. Hậu quả của vụ cháy này vẫn chưa thể đánh giá cụ thể thiệt hại.
Ngày càng xuất hiện nhiều vụ cháy hủy hoại di sản đã đủ để gióng lên một hồi chuông báo động về phòng chống cháy nổ trong di tích hiện nay. Câu hỏi đặt ra là công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại những nơi này đã thật sự được coi trọng hay chưa? Bộ VHTT&DL cho hay: Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, Bộ đã ban hành hàng chục văn bản, trong đó có đến hai Chỉ thị gửi UBND, Sở VHTT&DL, Sở VH-TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Mới đây nhất, tại Công văn số 3557/BVHTTDL-DSVH gửi Sở VHTT&DL, Sở VH-TT các tỉnh/thành về việc tăng cường công tác quản lý di tích, phòng chống cháy nổ, trộm cắp (ngày 28-8-2015), Bộ VHTT&DL đề nghị Sở VHTT&DL, Sở VH-TT các tỉnh/thành: Chỉ đạo đơn vị thuộc Sở phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp tiến hành kiểm tra, rà soát các di tích để có phương án bảo vệ, phòng, chống cháy nổ, trộm cắp di vật, cổ vật, đảm bảo giữ gìn an toàn tuyệt đối cho các di tích; báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh các phương án bảo vệ di tích như: lắp hệ thống camera theo dõi, bố trí hệ thống báo cháy và cứu hỏa tự động, kiểm tra và thay thế hệ thống điện không đảm bảo trong di tích…; kiện toàn bộ máy quản lý di tích các cấp, luôn bố trí người trông coi, bảo vệ di tích, hướng dẫn khách tham quan di tích thực hiện nếp sống văn minh, thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định. Không cung tiến hiện vật vào di tích trái quy định. Bài trí đồ thờ trong di tích thoáng, gọn, không để vàng mã, các vật liệu dễ cháy như nến cốc, vải, nhựa... trên ban thờ…
Trở lại vụ cháy nhà Tổ chùa Tĩnh Lâu, nhằm khắc phục hậu quả đồng thời tăng cường công tác phòng cháy tại các di tích trên địa bàn, Sở VH-TT Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND quận Tây Hồ, yêu cầu chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của vụ cháy đối với toàn bộ các hạng mục kiến trúc trong di tích. Dự kiến, thời gian tới sẽ đo vẽ lại hiện trạng, trên cơ sở đó hạ giải phần khung nhà còn lại sau đám cháy đảm bảo an toàn. Đối chiếu hồ sơ di tích, hồ sơ quản lý, hồ sơ tu bổ lưu giữ xác định chính xác hiện vật, tài sản bị thiệt hại trong hỏa hoạn. Đề xuất phương án phục hồi nhà Tổ, phục hồi các yếu tố gốc cấu thành di tích.
…Nhưng khó qui trách nhiệm
Có một thực tế là hiện nay đến bất cứ đình chùa đền nào cũng bắt gặp cảnh người dân thường chủ quan khi đốt nến, thắp nhang, trong khi hầu hết những vật dụng như tượng, hương án, điện thờ tại đó phần lớn bằng gỗ và dễ bắt lửa. Ở nhiều điểm thờ tự lớn, công đoạn hóa vàng cũng khó kiểm soát, nhiều người đi lễ đã không tuân thủ đúng nơi qui định, tiện chỗ nào khuất gió thì hóa vàng ở đó. Rất ít cơ sở thờ tự cử người đứng trông coi việc hành lễ của người dân mà hoàn toàn để tự do, và như vậy khả năng hỏa hoạn xảy ra là rất lớn. Vì không làm tốt công tác phòng nên lúc hỏa hoạn xảy ra dù có ra sức chữa cháy, di tích cũng đã bị hư hại.
Một vấn đề cũng được đặt ra lâu nay, dù di tích bị lửa tàn phá đa phần xuất phát từ sự thiếu ý thức của con người, nhưng ai phải chịu trách nhiệm về những vụ cháy này thì dường như không ai trả lời được. Âu cũng bởi sự chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước tại các di tích hiện nay. Thậm chí có BQL di tích trực thuộc UBND tỉnh, được giao quản lý 3 đến 4 di tích, nhưng trên thực tế các di tích này đã được chính quyền cấp huyện quản lý nên vai trò của BQL di tích rất mờ nhạt. Chính vì thế mà từ trước tới nay, sau các vụ cháy dường như rất ít thấy các thành viên BQL di tích các địa phương phải chịu trách nhiệm.
Ông Trần Đình Thành- Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết, tại những văn bản do Bộ VHTT&DL ban hành đều có những yêu cầu chấn chỉnh lại việc quản lý di tích. Hệ thống các văn bản pháp qui hiện tại qui định rất rõ về quyền hạn, nghĩa vụ của từng cấp. Chỉ cần thực hiệm nghiêm thì những rủi ro cháy nổ chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể. Trước thực trạng di tích cháy ngày một nhiều gần đây gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tới đây Cục Di sản Văn hóa sẽ cân nhắc, đề xuất việc thanh tra, kiểm tra đột xuất các di tích trọng điểm, đồng thời yêu cầu ngành văn hóa các tỉnh, thành phố đầu tư, kiểm tra các thiết bị PCCC, khuyến khích lắp đặt hệ thống báo cháy tại các di tích.