Nghề công tác xã hội: Bất cập, thiếu chuyên nghiệp
Mang nhiều lợi ích cho cộng đồng, tuy nhiên nghề công tác xã hội vẫn chưa thực sự được xã hội công nhận. Đáng chú ý, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, điều này đòi hỏi cần phải xây dựng khuôn khổ pháp luật về nghề công tác xã hội ở Việt Nam.
Trên đây là những kiến nghị tại hội thảo Đề xuất chủ trương xây dựng Luật Công tác xã hội do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 15/11 tại Hà Nội.
Là một nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên số người cần trợ giúp của các dịch vụ công tác xã hội rất lớn, với hàng chục triệu người gồm người nghèo, người cao tuổi , người khuyết tật. Chính vì vậy Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để trợ giúp cho các đối tượng.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, nhờ đó đến nay cả nước đã phát triển được 413 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có gần 40 trung tâm công tác xã hội chuyên sâu. Các trung tâm này cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho hàng ngàn lượt đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp.
Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội mới hình thành ở ngành LĐTB&XH chủ yếu, bước đầu thực hiện thí điểm ở ngành y tế, giáo dục với phạm vi, quy mô nhỏ, số lượng đối tượng được hưởng dịch vụ rất hạn chế. Cùng với đó, nhận thức về vai trò, vị trí của nghề công tác xã hội ở nhiều cấp, ngành còn hạn chế.
Về nguyên nhân, theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH), mặc dù nhu cầu đào tạo về công tác xã hội là một thực tế nhưng chưa nhận thức rõ bản chất công tác xã hội là một nghề do đó có tới 80% nhân viên chưa qua đào tạo công tác xã hội hoặc qua đào tạo từ nghề khác.
“Hành lang pháp lý về nghề công tác xã hội ở Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế trong đó thiếu hụt lớn nhất là chưa có một văn bản pháp luật chuyên ngành, riêng biệt về công tác xã hội nên khó khăn cho việc lồng ghép, đưa các quy định cụ thể về công tác xã hội vào các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành khác cũng như tổ chức triển khai trên thực tế” – ông Hà Đình Bốn nói.
Cũng theo ông Bốn, nhiều quy định liên quan đến công tác xã hội còn chung chung, tản mạn, chưa rõ ràng; có quy định còn chồng chéo, thiếu đồng bộ hoặc bất cập khó triển khai. Đáng chú ý một số lĩnh vực công tác xã hội còn chưa có quy định, còn thiếu, còn khoảng trống.
Từ thực tiễn nêu trên, nhiều đại biểu cho rằng phương án giữ nguyên hiện trạng pháp luật về công tác xã hội sẽ không thể khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay. Theo TS Trần Mạnh Đạt, những bất cập tiềm ẩn trong hệ thống văn bản, chính sách dưới luật sẽ tác động, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động công tác xã hội trong thực tế.
Đồng quan điểm, ông Tô Đức Phó, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cũng cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật về Công tác xã hội rất cần thiết nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ minh bạch hướng đến phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp. Theo đó, đối tượng làm nghề công tác xã hội không chỉ giới hạn là công chức, viên chức nữa mà sẽ mở rộng những đối tượng làm trong lĩnh vực ngoài nhà nước theo hướng dẫn cụ thể.
“Hiện nay đội ngũ làm nghề công tác xã hội 100% là viên chức và hưởng lương hoàn toàn từ ngân sách. Chính vì vậy, với việc mở rộng đối tượng này sẽ góp phần giảm gánh nặng rất lớn về chi phí cho ngân sách nhà nước đồng thời thu hút tối đa nguồn lực xã hội hóa góp phần phát triển nghề công tác xã hội “ – ông Tô Đức nói.