Người thương binh nặng tình với đồng đội

Bắc Vũ 16/11/2016 09:30

Việc chăm sóc người lành lặn đã khó nhưng với những thương bệnh binh bị tâm thần kinh càng khó khăn hơn. Thế nhưng những người y bác sĩ ở khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An vẫn tận tuỵ, lặng thầm vượt qua tất cả để các bác, các chú được sống khoẻ mạnh trong những năm qua. Và, khi nhắc tới người thương binh cũng chính là giám đốc khu điều dưỡng, ai cũng phải thán phục về tấm lòng cao cả, bình dị mà cao quý của bác sỹ, thương binh Phạm Thành Trụ - Giám đốc Khu điều dưỡng thương binh

Bác sỹ Phan Thành Trục đang kiểm tra khẩu phần ăn của các thương bệnh binh.

Theo những cán bộ, nhân viên ở đây cho biết, chính anh Trụ vừa là người quản lý vừa là đồng đội của các thương bệnh binh. Vậy nên, trong những “ca” khó đỡ nhất, anh Trụ lại trở thành điểm tựa để động viên tinh thần các đồng đội vượt qua cơn đau thể xác để trở lại trạng thái bình thường. Không chỉ vậy, hàng chục năm qua, anh Trụ còn tỉ mẩn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của đồng đội mình đang được chăm sóc, điều trị tại đây. Cũng từng đó thời gian, hình ảnh một bác sỹ giản dị, giàu tình cảm trong cuộc sống đã để lại dấu ấn cho rất nhiều người.

Bác sỹ Phạm Thành Trụ kể, vào một chiều cuối thu năm 1988, trong rừng già nước bạn Campuchia, tình cờ đọc được một bài báo viết về hoàn cảnh sống của thương bệnh binh tâm thần kinh tại Nghệ An, anh bị ám ảnh mãi. Để rồi, như một “duyên kỳ ngộ”, lúc chuyển ngành trở về quê công tác, anh lại được cấp trên giao về Khu điều dưỡng thương bệnh binh tâm thần kinh Nghệ An.

Những ngày đầu về công tác tại Khu điều dưỡng đóng tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ trong điều kiện thiếu thốn thuốc men khiến cuộc sống của thương bệnh binh tâm thần kinh rất khó khăn. Y học chưa phát triển, các y bác sỹ phải dùng biện pháp trói, xích thương bệnh binh mỗi khi cường cơn. Hình ảnh đó lại càng ám ảnh Phạm Thành Trụ.

Trằn trọc, băn khoăn để tìm giải pháp làm sao cho đồng đội hàng ngày không phải đau đớn hơn nữa, sau khi Khu điều dưỡng thương bệnh binh tâm thần kinh về xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, BS Phạm Thành Trụ đã đề xuất với lãnh đạo đơn vị chuyển từ cách quản lý, điều trị cơ học sang phương pháp y học. Với phương pháp này vừa giảm thiểu áp lực công việc cho nhân viên chăm sóc, vừa làm cho thương bệnh binh cảm giác thoải mái hơn. Sáng kiến trong đề xuất của bác sỹ Phạm Thành Trụ được hưởng ứng, áp dụng rộng rãi trong đơn vị để điều trị, chăm sóc.

Đến nay, với vai trò là giám đốc khu điều dưỡng, anh Phạm Thành Trụ đã mạnh dạn áp dụng các giải pháp tâm lý để giúp người bệnh giảm thiểu cơn đau khi tái phát và bình phục về hệ thần kinh để sống khoẻ, sống vui. Như lời bác sỹ Phạm Thành Trụ tâm sự, trong suốt mấy chục năm qua, được nhìn thấy thương bệnh binh cười, nói tỉnh táo và khoẻ mạnh là niềm vui cuộc sống hàng ngày của mình. Bởi chính họ, 63 thương bệnh binh tâm thần kinh là những người đã từng không tiếc tuổi xuân, thể xác mình để cống hiến cho đất nước được thanh bình như hôm nay. Và, việc chăm sóc chu đáo, tỉ mẩn với thương bệnh binh tâm thần kinh thì càng phải tận tuỵ, hết mình hơn nữa.

Bắc Vũ