Bài toán khó

Duy Phương 16/11/2016 09:05

Tăng trưởng kinh tế gắn bó mật thiết với gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là điện năng. Tăng trưởng kinh tế càng nhanh đòi hỏi nguồn năng lượng sử dụng càng lớn. Và với một nước đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu năng lượng cần cho phát triển kinh tế là rất lớn. Và tất nhiên, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung ứng điện năng của nước ta ra sao.

Ảnh minh họa.

Theo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương), để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng kinh tế, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 đã đưa mục tiêu đến năm 2020, tổng công suất của các nhà máy điện phải đạt 60.000 MW, nghĩa là trong 5 năm 2016-2020, cần đưa vào thêm đến 21.650 MW.

Đây thực sự là một con số thách thức đối với ngành điện của Việt Nam. Khi mà, nhìn vào bức tranh nguồn cung ứng điện hiện nay, không khó để thừa nhận, nguy cơ thiếu điện là rất rõ ràng.

Cụ thể, các nguồn cung ứng điện năng như nhiệt điện than, điện khí đang có nguy cơ ngày càng cạn kiệt, trong khi đó, nguồn năng lượng điện gió, điện Mặt Trời lại cần một khoản chi phí quá lớn để xây dựng các nhà máy. Nhìn qua nhìn lại, chỉ thấy thủy điện vẫn là ưu tiên hàng đầu để cung ứng điện năng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự tồn tại của các nhà máy thủy điện cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất chính là tình trạng xả lũ tại các dự án thủy điện gây nên những hậu quả khôn lường cho người dân vùng hạ du. Ngoài ra, sự phát triển ồ ạt các dự án thủy điện nhỏ tại nhiều địa phương trong vòng 3 năm trở lại đây cũng khiến dư luận xã hội phải nhiều lần lên tiếng phản đối. Việc phát triển thủy điện nhỏ một cách vô tội vạ trong khi những luận chứng cũng như báo cáo toàn diện về tác động, chế độ vận hành của công trình thủy điện đến môi trường sống hầu như không được xem xét triệt để…

Đây là lý do dẫn đến những hệ lụy mà chúng ta đã được chứng kiến trong thời gian qua. Đó là tình trạng xả lũ gây ngập lụt, khiến nhiều địa phương thiệt hại lớn. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường vì diện tích rừng bị xâm chiếm, đất trồng cây bị chuyển thành đất dự án…

Và trước những bất cập do thủy điện gây ra, Bộ Công thương mới đây đã công bố loại khỏi quy hoạch hơn 460 dự án thủy điện nhỏ. Việc loại đi những dự án thủy điện không hiệu quả, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế được đánh giá là hợp lý.

Tuy vậy, cũng cần phải nhìn nhận lại rằng, trong khi nguồn cung điện đang rất thiếu, các nhà máy nhiệt điện tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do lượng tro xỉ thải ra mỗi năm lên tới hàng chục triệu tấn, điện hạt nhân cũng đang tạm dừng, chưa biết khi nào sẽ triển khai, còn điện gió và điện Mặt Trời thì lại phụ thuộc vào nguồn lực vốn của ta có đủ mạnh hay không… thì việc phát triển thủy điện vẫn là nguồn năng lượng được ưu tiên của Việt Nam hiện nay.

Giới chuyên gia dự báo, Việt Nam cần khoảng 130 tỷ USD để đầu tư vào ngành năng lượng trong giai đoạn 2010-2030, trong đó 65,5% sẽ được chi cho phát triển điện. Cùng với điện, dầu khí cũng là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào nguồn năng lượng nội địa hiện nay, than khí gần như đã ở mức bão hoà. Than đã có kế hoạch phải nhập trong khi mỏ khí ở Nam Côn Sơn bắt đầu vào thời kì suy giảm…

Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện ngày càng lớn, để đảm bảo an ninh năng lượng mà không được phép đánh đổi môi trường sống, bài toán làm thế nào để có đủ điện phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo sạch về môi trường, an toàn cho đời sống dân sinh thực sự là bài toán khó, đòi hỏi nhà làm quản lý cần phải đưa ra những quyết sách mạnh mẽ và đúng đắn để vừa thu hút được đầu tư vào ngành điện, vừa đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội.

Nhìn bao quát, thủy điện vẫn giữ vai trò quan trọng nên nó được quy hoạch khoa học, đáp ứng được đòi hỏi khắt khe về môi trường, cộng với chi phí cho các dự án thủy điện tiết kiệm hơn rất nhiều so với chi phí cho các nhà máy năng lượng khác như điện gió, điện Mặt Trời…

Do đó, phát triển thủy điện vẫn rất cần thiết trong thời gian tới. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo, kế hoạch phát triển các nguồn thủy điện nhỏ phải luôn được xem xét một cách cẩn trọng, đánh giá đầy đủ các tác động, chế độ vận hành nhằm đảm bảo độ an toàn cao nhất, nếu không có thể phải trả giá rất đắt. Bên cạnh đó, không chỉ ở Việt Nam, phát triển năng lượng sạch cũng là mục tiêu cần hướng đến. Điều đó là tất yếu, nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng đang đẩy mạnh kế hoạch phát triển nguồn năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời…

Song, rất cần một cơ chế khuyến khích hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo cũng như việc xây dựng giá năng lượng tái tạo hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư.

Duy Phương