Chông chênh đường đến trường

Tuấn Quang 18/11/2016 10:02

Đã gần 3 tháng nay, nhiều học sinh vùng biên thuộc xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang phải đi trên những chiếc đò chông chênh trước dòng nước lũ để đến trường, khiến phụ huynh vô cùng lo lắng.

Chông chênh đường đến trường

Ảnh minh họa.

Thời gian qua, lũ từ thượng nguồn dòng Mekong đã đổ về vùng biên giới An Giang, giáp với Campuchia. Mực nước tại các sông và các cánh đồng đã tăng lên đáng kể, dao động từ 0,5m đến trên 1m và có thể tăng cao trong thời gian tới.

Dòng nước tại các sông chảy rất xiết do lượng nước đổ về rất lớn. Mặt khác, hệ thống bờ đê bằng bê tông không có vật cản khiến tốc độ dòng chảy càng mạnh hơn. Do đó, việc di chuyển của người dân bằng các phương tiện đò ngang, đò dọc gặp không ít khó khăn và nguy hiểm.

Khó khăn, nguy hiểm là vậy, thế nhưng đã gần 3 tháng nay, các tuyến đò ngang chính tại xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang lại ngưng hoạt động. Vì vậy, việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đường đến trường của các em học sinh vùng biên.

Chị Lê Thị Kim Nguyên, một Việt kiều, ngụ tại xã Pẹc-Chạy, huyện Cỏ Thum, tỉnh Cần Dal (Campuchia) cho biết mỗi ngày phải dành thời gian 2 buổi để đưa các con đến trường (sáng đưa đi, chiều rước về), do sợ dòng nước chảy xiết các cháu đi lại không an toàn. “Đang vào mùa lũ, công việc rất nhiều, nhưng tôi đành phải đưa các cháu đến trường và rước về nhà mới yên tâm” - Chị Kim Nguyên cho biết.

Được biết, xã Khánh An, huyện An Phú có tổng cộng 3 bến đò ngang chính, gồm: bến Cây Me, bến Trung tâm Thương mại xã và bến Ông Xiếng phục vụ việc đi lại của bà con vùng biên. Tuy nhiên, không hiểu vì sao từ ngày 13-8 cho đến nay, các bến đò này đã ngưng hoạt động.

Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Mỹ Phượng, ngụ tại xã Khánh An, huyện An Phú, chủ bến đò Cây Me cho biết: Bến đò này đã có từ vài chục năm nay, trước đây vẫn hoạt động bình thường nhằm phục vụ đưa đón bà con nơi đây. Đặc biệt, các em học sinh qua lại đều được miễn phí. Nhưng gần 3 tháng nay, phía UBND xã buộc phải ngưng chạy.

Hiện nay, việc đi lại của bà con, cũng như việc đến trường của các em học sinh vùng biên trên địa bàn xã Khánh An và vùng giáp biên chủ yếu bằng “đò chẻ” (loại đò ngang nhỏ, tự phát của một số hộ dân, chủ yếu dùng ghe và xuồng nhỏ). Trong khi đang vào mùa nước lũ lên cao, việc qua lại bằng đò chẻ trở nên chông chênh và tiềm ẩn nhiều rủi ro trước dòng nước chảy xiết.

Hiện toàn xã Khánh An có 714 em học sinh ở 3 cấp (mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở), là con em của bà con Việt kiều sống tại vùng biên giới, phải qua sông để đi học. Do đó, nhu cầu đi lại bằng đò ngang để đến trường là rất lớn và rất cấp bách.

Ông Nguyễn Huỳnh Long, Chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết: Sở dĩ 3 bến đò ngang chính của xã phải ngưng hoạt động là vì phía nước bạn Campuchia muốn quy hoạch gom 3 bến đò ngang hiện có thành một bến chính.

Đến nay đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và các khâu chuẩn bị cần thiết. Theo kế hoạch dự kiến, trong vòng tháng 11 bến đò ngang chính này sẽ đi vào hoạt động nhằm phục vụ bà con biên giới hai nước.

Trước mắt, để tránh rủi ro đuối nước cho các em học sinh khi đến trường, phía UBND xã đã kết hợp với các trường trên địa bàn tiến hành phát áo phao dự trữ để các em đến trường an toàn hơn mỗi khi qua các đò chẻ.

Tuấn Quang