Người thầy bám đảo

Phương Lan 18/11/2016 11:12

Những thầy cô giáo công tác tại vùng xa, biên giới hải đảo, những nơi khó khăn đòi hỏi sự hy sinh, tấm lòng và khả năng vượt qua khó khăn của thời tiết, giao thông hiểm trở. Đó là những tấm gương sống động, mang lại cho xã hội niềm tin về những điều tốt đẹp.

Đó là lời nhắn nhủ, động viên của bà Trương Thị Mai-Trưởng ban Dân vận Trung ương, khi nói về những người thầy, cô đặc biệt đang miệt mài gieo chữ nơi vùng khó.

Người thầy bám đảo

Cô giáo Nguyễn Thị Hợi.

Trường PTCS Bản Sen (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) nằm lọt thỏm giữa thung lũng, bao phủ bởi những đồi cây bạt ngàn. Vào những năm 1989 -1990, lần đầu tiên cô giáo Nguyễn Thị Hợi ra đảo. “Xã đảo chưa có điện, mùa đông gió biển thổi thốc vào những căn phòng đơn sơ khiến cả cô và trò run cầm cập. Trái lại, mùa hè ngủ vẫn phải đắp chăn vì sợ muỗi và dĩn cắn”, cô Hợi nhớ về những ngày đầu cắm đảo.

Dáng người nhỏ nhắn, chỉ nặng 39 kg nhưng khi nhắc đến cô giáo Hợi, cả giáo viên lẫn học sinh Trường PTCS Bản Sen ai nấy đều tấm tắc ngợi ca về một ý chí thép. Dạy Địa lý kiêm luôn cả Hóa học, cô Hợi cũng là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, nhiều năm giúp các em giành nhiều giải cao cấp tỉnh, cấp huyện.

Cuối năm 2015, Bản Sen mới có điện, cô Hợi miệt mài tập soạn giáo án bằng máy tính, giảng bài bằng máy chiếu. Cô còn hướng dẫn đề tài “Quảng bá du lịch ở xã Bản Sen” giành giải Ba trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật toàn quốc.

29 năm dạy học quanh các trường khó khăn của huyện đảo Vân Đồn, mái tóc dài của cô Hợi điểm thêm nhiều sợi bạc. Nửa cuộc đời gắn với nghề giáo, đôi lúc nghĩ không chăm sóc được nhiều cho gia đình gia đình, cô Hợi cảm thấy có lỗi. Con trai cô đã tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội và đi làm còn con gái cũng đang học Y Khoa Vinh. “Chắc các con sẽ hiểu về công việc của mẹ chúng”, cô Hợi chia sẻ.

Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, cô Hợi tự hỏi: “Hay là quay về đất liền” nhưng thấy cuộc sống của người dân vẫn nghèo, học trò vẫn cứ quấn quýt quá, lại thôi.

Người thầy bám đảo - 1

Thầy giáo Lê Xuân Quyết.

Thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết- giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây (xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) có thời gian bám đảo 4 năm. Tuy nhiên 4 năm ấy cũng quá đủ để thầy thấm hết những nhọc nhằn của cái nghiệp gieo chữ trên vùng đất khắc nghiệt này.

Sau khi tốt nghiệp, thầy Quyết đã đến Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa rất nhiều lần để hỏi về đợt tuyển giáo viên ra Trường Sa. Rồi, thầy vỡ òa sung sướng khi nhận được quyết định ra đảo dù chưa biết cuộc sống sắp tới như thế nào.

Cả Trường Tiểu học Song Tử Tây chỉ có 2 phòng học, 2 giáo viên cắm đảo. Thầy Quyết vừa dạy cả cấp Mầm non lẫn Tiểu học. Thầy quyết chia sẻ, học sinh trên đảo khỏe mạnh và ham học, những ngày mưa bão, thầy quên nhắc nghỉ học nhưng các em vẫn cắp sách đến trường ôn bài. Cuộc sống ở đảo thiếu thốn, tàu 4-5 tháng mới có 1 chuyến về đảo nên đồ dùng học sinh cũng hiếm. Nhiều khi giấy màu, bút chì, que tính cũng không đủ.

Thiếu thốn về vật chất không sợ nhưng thiếu thốn về tình cảm mới là điều đáng sợ. Từ đảo trở về đất liền nhanh cũng phải 2 ngày 2 đêm, chậm thì mất cả tháng. “Có khi ra ngoài đó nhiều đêm khóc rất nhiều vì nhớ mẹ”, thầy Quyết thành thật.

Người thầy bám đảo - 2

Thầy giáo Đoàn Văn Kiều.

Trong ngày vui được tuyên dương tại Hà Nội, niềm vui của thầy giáo Đoàn Văn Kiều- Trường PTCS Sơn Hải (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) như được nhân đôi khi gặp lại 2 cụ thân sinh từ Thái Bình ra đón. Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại huyện Tiền Hải (Thái Bình), thầy giáo Kiều là con trai duy nhất trong gia đình thế nhưng sau khi tốt nghiệp sư phạm, thầy giáo Kiều lại xung phong ra đảo.

Gương mặt khắc khổ, có phần già hơn so với tuổi 37. Có lẽ sự đùm bọc của người dân đảo, nghị lực phi thường của những đứa trẻ nơi đảo xa chính là động lực níu chân người thanh niên đất Bắc ở lại đảo. “Sự ủng hộ hết mình của người dân, vừa rồi có cuộc thi khoa học kỹ thuật, mình có hướng dẫn học sinh được giải nhất cấp tỉnh và giải 3 cấp quốc gia sau đó em vào học ĐHSP Kỹ thuật TP HCM đó là niềm vui vô cùng của người giáo viên”, thầy Kiều tự hào.

Xa nhà, 6 năm mới về một lần, bà Bùi Thị Sen- mẹ thầy Quyết không nhận ra con trai. “Về nhìn thấy con mẹ phát khóc, thương con vất vả, mẹ phải cắt thuốc Bắc bồi dưỡng cho con. Bồi bổ cho con đỡ gầy đỡ già”, bà Sen xúc động.

Phương Lan