Trẻ em Iraq vứt bỏ sách của IS trong ngày tựu trường
Dù học kỳ mới chính thức bắt đầu từ tháng 9, những phải mãi đến ngày 18/11 trẻ em ở thị trấn Qayyara, miền Bắc Iraq, mới lại được cấp cho sách mới theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục nước này thay vì các quyển sách “tẩy não” trước kia do phiến quân IS phát hành.
Học sinh tại một trường học ở thị trấn Qayyara, Iraq,
trở lại trường học. (Nguồn: Reuters).
IS đã bị quét khỏi thị trấn này cách đây 3 tháng, trong phần đầu của chiến dịch tái chiếm thành phố Mosul, nằm cách 60 km về phía Bắc.
Khi tổ chức phiến quân này đánh chiếm thị trấn vào mùa hè năm 2014, chúng cho phép trường học duy trì hoạt động. Tuy nhiên sau đó chúng cấm đoán các môn học mà chúng cho là “phi Hồi giáo” như địa lý, lịch sử và giáo dục công dân; và thường sử dụng các trường học dành cho nam sinh như nơi huấn luyện binh sỹ.
Trong năm học 2015, IS đã áp dụng một chương trình học hoàn toàn mới nhằm gieo tư tưởng độc hại vào trí não những đứa trẻ ở Qayyara. Các bài học toán được thể hiện bằng súng và đạn dược: “Một viên đạn cộng hai viên đạn bằng bao nhiêu viên đạn?”, bài tập trong sách toán mà IS phát hành trong trường học ở Qayyara có đoạn.
Vào thời điểm đó, hầu hết các bậc cha mẹ đều ngừng cho con họ đến trường, và rất nhiều học sinh đã đủ trưởng thành để hiểu rằng chúng tự phải rời khỏi nơi đó. Và hậu quả là, hầu hết trẻ em ở đây đều bị học chậm 2 lớp. Và cũng do phần lớn các giáo viên đã bỏ trốn khỏi tình trạng bạo lực nên mỗi giáo viên hiện nay phải dạy lớp có tới 80 học sinh.
Ông Mahjoub, hiệu trưởng một trường học ở Qyyara, hay học sinh trong trường đã trở nên bạo lực hơn dưới thời IS, và giờ ông ước tính phải mất ít nhất 5 năm mới có thể đảo ngược lại ảnh hưởng về trí não này.
Đằng sau trường học của ông Mahjoub vẫn còn một số xác xe hơi chở bom vẫn chưa được di dời đi, trong khi bầu trời vẫn đen kịt khói do IS đốt các giếng dầu ở lân cận, khiến cho học sinh khó thở. Nhiều đứa trẻ nơi đây vẫn bị ám ảnh về thời kỳ mà IS chiếm đóng, khi mà thi thể của những người bị hành quyết bị treo đầy trên phố để răn đe những người khác.