Cẩn thận nhầm lẫn
Trong mấy ngày qua, thông tin bắt đầu từ 1/1/2017, mô tô, xe máy không sang tên chính chủ sẽ bị lực lượng CSGT xử phạt 100-400 nghìn đồng khiến không ít người dân lo lắng. Không lo sao được khi mà có tới non nửa số xe đang lưu hành hiện nay là... không chính chủ. Ngay trên mặt báo, những người có thẩm quyền cũng có những cách lý giải khác nhau về Điều 30 Nghị định 46 của Chính phủ, khiến dư luận băn khoăn.
Làm thủ tục đăng ký mới và cấp lại biển số xe.
Cụ thể, Điều 30 Nghị định 46 của Chính phủ quy định: Từ 1/1/2017, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô. Với các từ ngữ như vậy đồng nghĩa với việc tất cả những người đi mô tô, xe máy mà không có tên trong giấy đăng ký thì đều bị xử phạt.
Ở đây khoan bàn đến việc từ nay đến 31-12 (kỳ hạn cuối cùng để sang tên chính chủ) thời gian còn rất ít trong khi số lượng xe mô tô, xe gắn máy chưa sang tên đổi chủ còn khá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng quá tải tại những điểm đăng ký mô tô, xe máy. Chỉ đơn cử việc không phải bất cứ người dân nào cũng có đủ khả năng nộp thuế trước bạ để đăng ký lại xe về đúng tên sở hữu của mình.
Chưa hết, có những người gia cảnh gọi là tạm đủ ăn, có thể đáp ứng được điều kiện tiền bạc đóng thuế để đăng ký sang tên đổi chủ, song trong thời gian qua chưa có bất cứ quy định nào chặt chẽ về việc mua bán xe máy nên khi họ mua xe khá đơn giản chỉ bằng cái giấy viết tay, thậm chí lại qua rất nhiều người mua đi bán lại thì nay đi đăng ký chính chủ cũng gặp không ít khó khăn phiền phức.
Vẫn biết việc đưa ra các giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự, ATGT là hết sức cần thiết. Song, cũng không thể vì để “nhẹ gánh” cho cơ quan nhà nước mà đẩy người dân vào thế khó. Với băn khoăn này của dư luận, một số người có thẩm quyền đã trả lời phỏng vấn truyền thông rằng chỉ phạt những xe không chính chủ gây TNGT ở mức nghiêm trọng trở lên, hoặc xe không sang tên đổi chủ khi đã sang nhượng... Còn xe đứng tên vợ mà chồng đi, xe của bố mà con đi, hay mượn xe của bạn bè... thì sẽ không bị phạt. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ: Khi dừng xe kiểm tra trên đường, làm sao để phân biệt vợ - chồng, bố - con đây?
Dư luận đưa ra một khả năng khá hài hước, đó là có lẽ từ nay mỗi người khi ra đường mà không đi xe chính chủ có lẽ nên mang theo giấy khai sinh để chứng minh quan hệ bố - con, mẹ - con, còn đối với trường hợp mượn xe của anh chị em ruột có lẽ phải mang theo hộ khẩu. Song, điều bất tiện là khi đã thành gia thất thì ai có hộ khẩu nhà nấy, anh chị em ruột cũng không thể có tên trong quyển hộ khẩu của người trưởng thành đã có gia đình riêng. Đối với trường hợp vợ mượn xe của chồng đi thì chắc cứ kè kè cái giấy đăng ký kết hôn theo người là sẽ ổn thỏa.
Lại nữa, một số quan chức trong lực lượng công an khẳng định chỉ có mô tô, xe gắn máy đã qua chuyển nhượng, mua bán mà không sang tên chính chủ mới bị phạt. Điều này hơi bị khó đây! Lực lượng CSGT, TTGT ngoài việc phải có các kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt để phân biệt vợ - chồng, bố - con, anh chị em ruột mượn xe của nhau để không xử phạt, mà còn phải biết cách phân biệt chiếc xe mình đang kiểm tra đã qua mua bán chuyển nhượng hay chưa. Với sự dấp dính trong quy định này không cẩn thận nhầm như chơi.
Đó là còn chưa kể việc giải thích của cơ quan chức năng như vậy cũng chưa đúng với quy định của Điều 30 Nghị định 46 của Chính phủ. Trong quy định của Điều 30 Nghị định 46 không hề có từ nào thể hiện rằng nếu là vợ, chồng, bố, mẹ, anh, chị, em, bạn bè mượn xe của nhau thì sẽ không bị phạt. Điều 30 quy định cứng là bất cứ ai đi xe không chính chủ đều có thể bị phạt. Đã là quy định của pháp luật thì phải hiểu cho đúng nghĩa đen mà câu chữ của văn bản thể hiện, chứ không được phép “dịch nôm” theo nghĩa hiểu của bất cứ ai.
Vốn dĩ các cơ quan chức năng “nghĩ” ra quy định xe chính chủ là để dễ bề quản lý hơn trong lĩnh vực an ninh trật tự, ATGT... Song, nếu lại phải xác minh rườm rà nào là bố - con, anh - em, bà - cháu... khi dừng xe trên đường để không bị nhầm lẫn, phạt oan thì quả là vất vả hơn trước rất nhiều, như vậy sẽ hỏng mất mục tiêu định ra ban đầu là dễ dàng quản lý. Hy vọng các lực lượng thực thi công vụ sáng suốt, không nhầm lẫn trong việc áp dụng quy định pháp luật.