Chủ động ngăn lây nhiễm Zika cho phụ nữ
Tính đến nay, cả nước đã ghi nhận 60 ca nhiễm virus Zika, trong đó riêng TP Hồ Chí Minh 52 ca với 15/24 quận huyện có người mắc. Trước nguy cơ tiếp tục gia tăng số người mắc, đặc biệt là việc ghi nhận 6 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm Zika và một em bé 4 tháng tuổi ở Đăk Lăk là đứa trẻ Việt Nam đầu tiên mắc dị tật đầu nhỏ do mẹ nhiễm virus Zika trong thai kỳ, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc phòng lây nhiễm Zika cho phụ nữ và từ mẹ sang con là vấn đề
Không phải thai phụ nào nhiễm Zika cũng sinh con dị tật đầu nhỏ
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, hiện nay, các nghiên cứu y khoa ghi nhận có khoảng 10% thai phụ nhiễm vi rút Zika sinh con mắc dị tật đầu nhỏ. Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong số 6 thai phụ xác định nhiễm virus Zika thời gian qua, có một thai phụ ở quận 12 (TP Hồ Chí Minh) vừa sinh con, không mắc chứng đầu nhỏ do vi rút Zika truyền từ mẹ. Tất nhiên trường hợp này vẫn đang được tiếp tục được theo dõi.
Cũng theo ông Trần Đắc Phu, bệnh do vi rút Zika thường nhẹ, người lớn nhiễm vi rút Zika hầu thường khỏi sau 4-5 ngày điều trị triệu chứng. Riêng ở trẻ em, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), cho biết: Biểu hiện bệnh khi nhiễm vi rút Zika đa số nhẹ hơn so với người lớn. Hiện trên thế giới chưa có ghi nhận trường hợp trẻ tử vong hay ảnh hưởng thần kinh sau khi nhiễm vi rút Zika.
Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh, vi rút Zika đặc biệt được khuyến cáo đáng lo ngại đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu. Bởi lẽ, biến chứng nguy hiểm nhất do vi rút Zika theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là có liên quan đến chứng đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ khi mang thai ở 3 tháng đầu bị nhiễm Zika.
Theo công bố của WHO, dị tật đầu nhỏ là một tình trạng hiếm gặp khi một trẻ sơ sinh có đầu nhỏ bất thường. Điều này là do sự phát triển não không bình thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ hoặc trong giai đoạn sơ sinh. Trẻ sơ sinh và trẻ em bị tật đầu nhỏ thường gặp phải những khó khăn với sự phát triển não bộ khi lớn lên.
Chẩn đoán trước sinh đúng quy trình
Theo đó, hiện nay, Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em đang khẩn trương xây dựng quy trình cụ thể để các cơ sở y tế ứng phó khi ghi nhận phụ nữ mang thai nhiễm Zika và sớm chuyển giao cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, điều khó khăn ở chỗ là phải đến những tháng gần cuối của thai kỳ mới xác định được thai nhi có bị đầu nhỏ hay không nên khâu tư vấn cho bà mẹ mang thai rất cần thiết.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngoài virus Zika gây ra mối lo dị tật đầu nhỏ cho trẻ sơ sinh, còn có khoảng 30 tác nhân khác có khả năng gây ra dị tật nguy hiểm này nhưng Zika đứng đầu trong số các tác nhân vi sinh gây dị tật đầu nhỏ. Do đó, phụ nữ mang thai cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn sức khỏe.
Trước lo lắng của nhiều phụ nữ có thai thời điểm này, PGS-TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết việc chẩn đoán trước sinh sẽ giúp phát hiện sớm dị tật thai nhi do virus Zika. Việt Nam có hệ thống chẩn đoán trước sinh.
Theo đó, thai phụ được yêu cầu siêu âm ba lần trong thời gian mang thai: Thời điểm 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Do vậy, nếu thai phụ tuân theo hướng dẫn cơ bản này sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ.
“Do đó, ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe bằng biện pháp phòng tránh muỗi đốt, thai phụ nên đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi” - ông Cường lưu ý.
Theo ông Cường, điều đáng nói là hiện nay vẫn còn thai phụ chưa ý thức tầm quan trọng của việc khám thai, đặc biệt là thời điểm đang lưu hành dịch Zika như hiện nay. Có người thấy tiện mới đi khám, không tuân theo lịch hẹn, không xác định đúng tuần tuổi của thai nhi trước khi đi khám.
Cục Y tế dự phòng còn cho biết Zika đã trở thành bệnh lưu hành tại Việt Nam. Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, Cục Y tế dự phòng nhận định nguy cơ dịch bệnh do virus Zika có thể bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng.
Biểu hiện để nhận biết Zika: Sốt nhẹ 37,8 độ C đến 38,5 độ C. Mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Bên cạnh đó, viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt và suy nhược. Ngoài ra, một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.
Nỗ lực chống dịch
Liên quan tới diễn biến của dịch Zika, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, qua giám sát dịch tễ cho thấy, số người nhiễm virus Zika tập trung nhiều nhất ở TP HCM, tiếp đến là một số tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên. Hiện miền Bắc vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay thời tiết miền Bắc đang chuyển lạnh, mật độ muỗi vằn truyền bệnh Zika có thể giảm nhưng vẫn tồn tại trong cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lan truyền virus Zika khi muỗi đốt phải người bệnh và có thể làm lan truyền sang người lành.
Hiện chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh. Để phòng ngừa, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng). Đặc biệt, phụ nữ có thai nên phòng tránh bị muỗi đốt, chủ động đăng ký theo dõi thai sản sớm để được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ.
Đối với người dân khi có các biểu hiện nghi nhiễm Zika như: Phát ban trên da kèm theo sốt nhẹ, viêm kết mạc mắt không mủ, đau khớp, phù quanh khớp, đau cơ... cần tới cơ sở y tế để được khám, tư vấn sức khỏe.
Người dân có thể liên hệ khám bệnh và xét nghiệm virus Zika tại 6 cơ sở gồm: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Thêm hàng chục ca nhiễm virus Zika ở Thái Lan và Philippines
Ngày 17/11, Bộ Y tế Thái Lan cho biết, nước này đã phát hiện thêm 33 ca nhiễm virus Zika và hiện đang tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh ở các nhóm có nguy cơ tổn thương cao, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Thái Lan, bà Suwannachai Wattanayingcharoenchai, 33 ca nhiễm được phát hiện từ tuần trước và dịch bệnh đã lây lan sang 2 tỉnh mới.
Bộ trưởng Y tế Philippines Paulyn Ubial cũng thông báo chính phủ nước này đã ghi nhận thêm 10 trường hợp nhiễm mới virus Zika trong những ngày gần đây. Bộ Y tế Philippines khuyến cáo người dân tuân thủ chiến dịch 4S nhằm chống lại sự lây lan của virus bao gồm: tìm và tiêu diệt các ổ sinh sản của muỗi Aedes aegypti, chẩn đoán sớm, thực hiện các biện pháp tự bảo vệ và không để cỏ mọc tràn lan.