Buông lỏng quản lý, đổ lỗi cho dân
Theo báo cáo mới đây của UBND TP Hà Nội, nhiều tuyến đường dù mới mở và đã có quy hoạch vẫn “mọc” lên vô số nhà siêu mỏng, siêu méo. Tại 11 quận, huyện mà cơ quan chức năng của TP Hà Nội kiểm tra vẫn có hàng trăm ngôi nhà không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật vẫn được xây dựng trong 2 năm 2015 - 2016. Có vẻ như công tác quản lý đô thị của các cơ quan chức năng TP Hà Nội đang “gặp khó” với nhà siêu mỏng, siêu méo.
Nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội có muôn hình, vạn trạng Ảnh: T.L.
Trong hàng chục năm qua, mặc dù Hà Nội vẫn hô hào phải kiểm soát tốt để giảm, tiến tới xóa nhà siêu méo, siêu mỏng. Song, có vẻ như đó chỉ là khẩu hiệu bởi trong hai năm 2015-2016, Hà Nội vẫn có rất nhiều ngôi nhà “hình thù kỳ dị” hồn nhiên mọc lên ở những tuyến phố đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, phần lớn nhà siêu mỏng, siêu méo đều xuất hiện sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB) để mở đường. Mà trong vài năm qua thì Hà Nội mở vô số đường thì làm sao tránh khỏi nhà siêu méo, siêu mỏng?
Cũng theo lý giải của cơ quan chức năng TP Hà Nội, tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng không chỉ tồn tại mà còn “phát triển” là do giá đất sau khi GPMB tăng cao hàng chục lần nên người dân cố bám trụ dù diện tích đất còn lại không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Một số lãnh đạo quận, huyện còn khẳng định, chính quyền hết sức vất vả trong công tác quản lý sau mỗi lần GPMB, phải cưỡng chế vi phạm nhiều lần, nhưng cứ cưỡng chế xong dân lại tìm cách xây.
Để minh chứng, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái còn khẳng định, quận này tuyệt đối không cấp phép xây dựng cho những trường hợp bị thu hồi đất mà diện tích còn lại không đáp ứng yêu cầu về mặt bằng xây dựng, nhưng người dân vẫn lén lút xây và cư trú trong nhà siêu mỏng.
Vậy xin hỏi lãnh đạo các quận, huyện: Nếu các cấp chính quyền thực sự “xắn tay áo vào cuộc” thì liệu người dân có thể xây dựng được không?
Trên thực tế, đúng là vẫn có một số người dân cố “bám trụ” do giá đất bỗng nhiên tăng vọt. Vẫn biết họ như vậy là vi phạm pháp luật, là chưa đúng.
Song, việc lãnh đạo các cơ quan chức năng chỉ đổ lỗi cho người dân về tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng là không thể chấp nhận được. Nói như vậy bởi lẽ, người dân dù có “to gan” đến đâu cũng không dám chống đối lại chính quyền. Một khi chính quyền cương quyết thì làm sao họ có thể ngang nhiên xây dựng nhà sai phép, chứ đừng nói đến xây nhà không phép.
Còn nữa, theo quy định của UBND TP Hà Nội nói riêng và các văn bản quy phạm pháp luật nói chung, khi quy hoạch mở đường các đơn vị thiết kế dự án phải tính đến mặt bằng tổng thể, từ đó lường được những trường hợp sau khi thu hồi phần diện tích còn lại sẽ không đảm bảo đáp ứng yêu cầu mặt bằng xây dựng, theo đó trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi nốt phục vụ mục đích khác. Tuy nhiên, lâu nay khi thu hồi đất làm đường người ta hầu như không tính tới diện tích còn lại của các hộ dân sau cắt xén.
Có lẽ đó cũng là một phần lý do để lãnh đạo các quận, huyện cũng như sở, ngành của Hà Nội kêu khó trong công tác quản lý nhà siêu méo, siêu mỏng.
Song, khó không có nghĩa là chùn bước. Việc xử lý các mảnh đất “đầu thừa, đuôi thẹo” không đáp ứng được yêu cầu mặt bằng xây dựng không quá khó khăn vì thiếu cơ sở pháp lý như lãnh đạo các quận huyện đưa ra để bao biện cho sự yếu kém trong quản lý trật tự đô thị.
Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, quy định về xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội, Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 15 là hành lang pháp lý để xử lý vấn đề trên.
Theo quy định tại các văn bản trên, những phần đất còn lại không đáp ứng yêu cầu về mặt bằng xây dựng hoặc là các cơ quan chức năng vận động người dân tự nguyện hợp khối, hợp thửa (mua bán, chuyển nhượng cho nhau giữa các hộ liền kề) để tạo ra một thửa đất đảm bảo đáp ứng yêu cầu về mặt bằng xây dựng.
Đương nhiên, nỗi lo của chính quyền các cấp về việc chủ trương hợp khối khó thực hiện do các hộ không thể thỏa thuận do giá trị đất tăng, các hộ quay ra ép giá nhau là có cơ sở. Song, trong trường hợp người dân không thể thương lượng, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành để ra quyết định thu hồi đất phục vụ mục đích khác.
Nói cho cùng thì tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng không thể kiểm soát ở Hà Nội nguyên nhân chính vẫn là do các cấp chính quyền, cán bộ chức năng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, chưa thực sự vào cuộc ngăn chặn.
Cùng với đó là chế tài xử lý những hành vi vi phạm của người dân, đặc biệt là đối với những cán bộ bảo kê cho sai phạm chưa nghiêm dẫn đến việc nhu nhơ nhờn luật.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng TP Hà Nội, tới nay trong số các trường hợp vi phạm mới chỉ có một vài trường hợp bị cưỡng chế dỡ bỏ công trình siêu mỏng. Cán bộ lơ là, dung túng, tiêu cực, pháp luật thiếu chế tài mạnh, việc sửa méo khó lắm thay!