Tạo áp lực để cán bộ không đủ phẩm chất phải từ chức
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau), bên cạnh việc khởi xướng vận động tinh thần văn hóa từ chức thì phải củng cố lại các quy định của pháp luật, đủ sức răn đe, tạo ra áp lực để họ thấy rằng khi mà cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, phẩm chất thì không còn sự lựa chọn nào khác là từ chức...
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã khép lại. Vấn đề được người dân mong đợi chính là việc các Bộ trưởng thực hiện lời hứa của mình.
Trao đổi với ĐĐK, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng: Luật hoạt động giám sát của Quốc hội có quy định, Ủy ban của Quốc hội có thể trình Quốc hội về việc xem xét bỏ phiếu tín nhiệm đối với một nhân vật nào đó chịu sự giám sát của Quốc hội. Nếu như phát hiện vị Bộ trưởng, trưởng ngành nào đó đã thất hứa hoặc làm không hiệu quả thì Ủy ban có quyền trình Quốc hội.
Ông Lê Thanh Vân.
PV: Thưa ông, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII đã khép lại. Ông kỳ vọng gì về lời hứa của các Bộ trưởng sau khi kỳ họp kết thúc?
Ông Lê Thanh Vân: Nhiều nhiệm kỳ trước nhiều ĐBQH cứ hy vọng, chờ đợi nhưng đôi khi thất vọng vì nhiều vị hứa không đi đôi với làm, nhưng tôi nghĩ nên chấm dứt ở nhiệm kỳ này và tôi thực sự ấn tượng với sự chuyển mình của Chính phủ, đặc biệt là lời hứa của các thành viên Chính phủ phải thành sự thật. Đã hứa thì phải bằng tự trọng của mình, phải biết tôn trọng lời hứa của mình trước.
Trong nhiệm kỳ nếu vị Bộ trưởng không đủ sức đảm nhiệm, thậm chí sa sút về đạo đức thì Thủ tướng phải kịp thời trình Quốc hội thay thế đúng như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đó là không chờ hết nhiệm kỳ. Tôi mong rằng Thủ tướng phải xử lý ngay để tránh tư duy nhiệm kỳ.
Lâu nay giám sát là khâu yếu của chúng ta. Vậy QH phải tăng cường cơ chế giám sát như thế nào?
Cái này Quốc hội vẫn đang làm. Tức là cuối mỗi kỳ họp Quốc hội bao giờ sau phần chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội cũng ra Nghị quyết và lưu ý các Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội những việc nào phải tập trung vào làm, những việc nào Quốc hội giao phải làm tốt, và những việc nào họ đã hứa trước Quốc hội thì đó chính là cơ sở để Quốc hội tập trung giám sát đến kỳ họp sau phải báo cáo với Quốc hội mức độ hoàn thành.
Vấn đề ở đây là các cơ quan của Quốc hội tùy theo lĩnh vực mình phụ trách trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội quy định đó là Ủy ban của Quốc hội có thể trình Quốc hội về việc xem xét bỏ phiếu tín nhiệm đối với một nhân vật nào đó chịu sự giám sát của Quốc hội. Nếu như phát hiện trong vấn đề mà mình phụ trách việc ông Bộ trưởng, trưởng ngành nào đó thất hứa hoặc làm không hiệu quả thì Ủy ban có quyền trình Quốc hội.
Nhân ngày 2/9/2016, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài viết trong đó nêu lên một ý đáng suy ngẫm là “ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc hãy tự nguyện trao lại mái chèo, hoặc Đảng buộc họ phải ra đi”. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Nếu như để cho họ tự giác kiểm điểm lại bản thân để so sánh với các tiêu chuẩn đặt ra cho họ từ chức là khó.
Cho nên bên cạnh việc khởi xướng vận động tinh thần văn hóa từ chức thì phải củng cố lại các quy định của pháp luật, đủ sức răn đe, tạo ra áp lực để họ thấy rằng khi mà họ không còn đủ tiêu chuẩn, phẩm chất thì không còn sự lựa chọn nào khác là từ chức để bảo toàn danh dự, phẩm hạnh của con người thay vì việc phải sử dụng đến công cụ pháp luật. Có như vậy họ mới tìm ra con đường nào tốt hơn cho họ. Cơ chế mà nguyên Chủ tịch nước nói ra chính là như vậy.
Liệu chúng ta có cần thay đổi về mặt cơ chế?
Về cơ chế thì tôi thấy không cần phải thay đổi nữa vì luật pháp rất ổn định. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thì đã có căn cứ chính trị để Thủ tướng có thể sử dụng quyền của mình.
Còn về năng lực pháp lý thì Thủ tướng đã có rồi, Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội quy định rồi, nếu như thấy rằng các thành viên trong Chính phủ do mình lựa chọn không xứng đáng thì Thủ tướng có quyền trình Quốc hội phê chuẩn việc bãi nhiệm, cho thôi chức, thậm chí là kỷ luật để thay thế người khác.
Hôm chất vấn tôi có hỏi Thủ tướng rằng “Thủ tướng có đánh giá gì về phẩm chất, trí tuệ, năng lực, khả năng hoàn thành thành nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ”, Thủ tướng đã nói rằng, bàn tay 5 ngón, có ngón ngắn ngón dài nhưng đều nằm trên một bàn tay.
Ý muốn nói rằng đây là một thể thống nhất. Có người xuất sắc, cũng có người mới tiếp cận vấn đề, nhưng Thủ tướng vẫn tin rằng Chính phủ là một thể thống nhất, đoàn kết đủ sức để xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Chúng ta hãy tin tưởng như vậy.
Trân trọng cảm ơn ông!