Tổng thống Barack Obama nói lời tạm biệt với thế giới
Ông Barack Obama, vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, đã nói lời tạm biệt với thế giới trong hôm 21/11, cùng lúc đưa ra lời khuyên cho người kế nhiệm ông và thảo luận về cuộc sống đời thường của ông sau khi rời khỏi Nhà Trắng, đánh dấu sự kết thúc chuyến công du cuối cùng của ông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh
Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Lima,
Peru hôm 20/11. (Nguồn: AP).
Vị thế một vị Tổng thống đi vào lịch sử của nước Mỹ cùng uy tín của ông Obama đã giúp ông trở thành một hình tượng nổi tiếng trên trường quốc tế; ông nổi tiếng ngay cả trong những thời điểm mà ông mới chỉ là một ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống năm 2008.
Trong bài phát biểu cuối cùng của mình tại Lima (Peru), ông đã đề cập tới cả người dân Mỹ và thế giới nói chung. Ông cũng chuẩn bị sẵn một thông điệp quan trọng cuối cùng đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Bài phát biểu đầy cảm xúc này đã làm lay động không ít nhà lãnh đạo thế giới cùng tham dự hội nghị này.
“Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời, nhưng cũng đượm buồn, bởi đó là cuộc gặp cuối cùng giữa chúng tôi” - Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói.
“Tôi sẽ nhớ những lần gặp gỡ ông Barack” - Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Tiến trình toàn cầu hóa
Trong bài phát biểu được cho là cuối cùng của mình với tư cách Tổng thống Mỹ, ông Obama đã đề cập tới vấn đề toàn cầu hóa. Chuyến công du lần này của ông Obama diễn ra trong bối cảnh đầy bất trắc khi ông Trump đã đưa ra hàng loạt những tuyên bố cứng rắn, trong đó đòi hủy bỏ một số hiệp ước thương mại tự do.
Ông Obama nói rằng, một thế giới ngày càng trở nên “không có biên giới” đã mang tới “sự thịnh vượng, giáo dục và chăm sóc sức khỏe” to lớn, nhưng cũng nhận thức rõ rằng, tiến trình toàn cầu hóa luôn có cả người thắng và kẻ thua.
“Khi công ăn việc làm và nguồn vốn có thể di chuyển xuyên biên giới, khi những người công nhân có ít quyền lợi hơn, khi các tập đoàn hùng mạnh dường như đang chơi theo luật lệ khác, thì người lao động và cộng đồng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - ông Obama nói.
“Điều này có thể ảnh hưởng tới chính sách của chúng tôi. Đó là lý do vì sao tôi tin chắc rằng một trong những thách thức lớn nhất của chúng ta trong những năm tới sẽ là đảm bảo rằng lợi ích của nền kinh tế toàn cầu được chia sẻ” - ông Obama nói thêm.
Tổng thống đắc cử Donald Trump
Dù trước đây từng vận động chống lại ông Trump bởi cho rằng vị ứng viên Cộng hòa này không đủ khả năng làm người kế nhiệm ông, nhưng giờ ông Obama lại tìm cách trấn an các đồng minh của Mỹ về một tương lai mà Donald Trump làm Tổng thống.
Ông Obama đã yêu cầu thế giới hãy cho ông Donald Trump thêm thời gian để tự khẳng định mình: “Hãy chờ đợi và chứng kiến” cùng lúc lại đưa ra lời khuyên liên quan tới nhiều vấn đề quan trọng đối với người sẽ kế nhiệm mình.
Ông Obama tuyên bố rằng chữ ký của ông trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ vẫn sống sót bất chấp ông Trump từng tuyên bố sẽ tiêu hủy nó; và nói rằng ông muốn đạt được một thỏa thuận liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine trước khi rời khỏi Nhà Trắng.
Ông nói rằng quan điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump chắc chắn sẽ rất khác so với những gì ông này từng tuyên bố trong quá trình tranh cử: “Một khi đã ở trong Phòng Bầu dục, một khi đã bắt đầu tương tác với các lãnh đạo thế giới, một khi đã nhìn thấy sự phức tạp của các vấn đề, cách suy nghĩ của anh sẽ được hình thành”.
Ngoài ra, cuộc chiến ác liệt ở Syria cũng là một vấn đề thách thức bậc nhất đối với chính sách ngoại giao của ông Obama trong suốt 8 năm ở Nhà Trắng. Ông đã bảo vệ quyết định không tham chiến chính thức tại quốc gia này của mình, nhưng cảnh báo rằng sẽ không thể ngừng tình trạng đổ máu trong thời gian ngắn.
“Tôi không lạc quan lắm về viễn cảnh ngắn hạn của Syria” - ông nói, đồng thời lên án việc Nga và Iran ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Khép lại bài phát biểu, ông Obama cũng nói rõ ràng về ưu tiên đầu tiên của mình sau khi rời nhiệm sở: “Đưa (Đệ nhất phu nhân) Michelle đi nghỉ dưỡng”. Ông nói rằng ông muốn “có chút thời gian tĩnh dưỡng, dành thời gian cho các con gái và viết lách, suy ngẫm”. Ông nói rằng chưa muốn nghĩ tới việc trở lại chính trường sớm.
“Tôi muốn thể hiện sự tôn trọng với văn phòng và cho Tổng thống đắc cử một cơ hội để thúc đẩy những điều ông ấy muốn làm” - ông Obama nói.