Ngành điện loay hoay với bài toán 'tiền đâu'
Ước tính, giai đoạn 2016-2020, ngành điện cần thêm 21.650 MW công suất vào vận hành mới có đủ “lực” để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Để đảm bảo được con số này, số tiền đầu tư cho các nhà máy điện trong giai đoạn này lên đến 30 tỷ USD. Như vậy, từ nay đến 2020, mỗi năm cần khoảng 7-8 tỷ USD đầu tư cho sản xuất điện. Con số không hề “dễ chịu” này khiến chúng ta đứng trước thách thức lớn: làm thế nào để thu hút đầu tư vào ngành điện, nếu không nguy cơ thiếu điện sẽ rất cao.
Làm thế nào để thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư
vào ngành điện là vấn đề được đặt ra. (Ảnh minh họa).
Cần tới 8 tỷ USD cho sản xuất điện mỗi năm
Theo Quyết định 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, đến năm 2020, tổng công suất của các nhà máy điện phải đạt 60.000 MW. Điều này có nghĩa, trong 5 năm 2016-2020, cần đưa vào thêm 21.650 MW.
Viện Năng lượng đưa ra ước tính, số tiền đầu tư trong 5 năm của các nhà máy điện từ nay đến năm 2020 là gần 30 tỷ USD. Đó còn chưa kể việc xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải. Tổng số tiền cần đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 là 40 tỷ USD. Tức là mỗi năm chúng ta cần khoảng 7,9 tỷ USD đầu tư cho sản xuất điện.
Đối diện với một khoản chi phí “khủng” cho sản xuất điện, nhưng với những diễn biến của ngành điện hiện nay, giới chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại, để tìm được nguồn vốn đầu tư cho sản xuất điện không dễ dàng. Trong khi đó, nhu cầu điện cho nền kinh tế ngày càng cao, đòi hỏi cần phải có một chiến lược thu hút đầu tư đảm bảo nguồn cung điện cũng như đổi mới công nghệ trong sản xuất của các DN để tiết kiệm điện mới mong đảm bảo cân bằng cung - cầu điện trong thời gian tới.
Theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, miền Nam được coi là vùng trọng điểm kinh tế của Việt Nam, đây là khu vực có khả năng bùng nổ nhất của nền kinh tế khi mà vùng này đang chiếm tới 50% GDP quốc gia. Đây cũng là trung tâm hội nhập của kinh tế Việt Nam khi tập trung những nhiều công trình quyết định tới toàn nền kinh tế như cảng trung chuyển Thị Vải, sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất… Thế nhưng, đáng quan ngại, nguồn cung điện cho phía Nam thường xuyên rơi vào nguy cơ thiếu hụt, không đủ cầu.
Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 7,9 tỷ USD đầu tư cho sản xuất điện. (Ảnh minh họa).
Tìm vốn cho điện cách nào?
Theo kế hoạch, đến năm 2020, EVN sẽ cần đến 36,5 triệu tấn than. Con số này của năm 2018,2019 lần lượt là 28 triệu tấn và 33 triệu tấn. Trong đó, lượng than EVN sử dụng chủ yếu là than nội địa, còn lại là nhập khẩu. Hiện EVN có 11/19 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất là 6.014 MW, 2 nhà máy đang chạy thử nghiệm phát điện thương mại cuối năm 2015, 4 nhà máy đang đầu tư xây dựng. |
Làm gì để có thể có được nguồn vốn gần 40 tỷ USD để “nạp” thêm cho nguồn cung điện của chúng ta 21.650 MW, mới mong có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển? Câu trả lời được đưa ra là: Không còn cách nào khác phải tập trung thu hút đầu tư vào ngành điện một cách hiệu quả.
Có tiền mới có thể xây dựng được các nhà máy điện. Thế nhưng, cái khó của ngành điện hiện nay là xây dựng các nhà máy nhiệt điện - chi phí có thấp hơn - thì đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường, còn muốn xây dựng các nhà máy điện năng lượng tái tạo thì lại vấp ở khâu tài chính.
Trong khi đó, theo hầu hết các ý kiến của giới chuyên gia hiện nay, giá điện chính là một trong những nguyên nhân chính tạo ra lực cản thu hút đầu tư.
Nhấn mạnh rõ hơn về thực tế này, TS Trần Đình Thiên cho rằng, suất đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài…là những lý do khiến cho các DN trong nước cũng như nước ngoài không mấy quan tâm đến việc đầu tư vào các dự án điện.
Theo TS Trần Đình Thiên, muốn thu hút được nhà đầu tư tốt thì phải tính tới giá điện tốt. Nhưng hiện giá điện đang ở tình thế “lưỡng nan”: Giá điện cao là cả xã hội phản ứng rất mạnh, nhưng nếu giá điện thấp thì rất khó thu hút được đầu tư. Điều này thực sự là nghịch lý của ngành điện.
Cũng cho rằng việc thu hút đầu tư cho sản xuất điện hiện nay gặp nhiều trở ngại một phần vì giá điện chưa hấp dẫn nhà đầu tư, ông Franz Genner, chuyên gia nước ngoài về lĩnh vực năng lượng cho rằng, Việt Nam đã rất thành công trong việc tạo nên các nguồn điện từ nhiệt điện than, thủy điện… để có thể cung ứng được nguồn điện giá rẻ. Tuy nhiên, nhiệt điện than đang đối diện với khó khăn là nội lực đã cạn kiệt, phải nhập khẩu than, thủy điện cũng không phải là phương án tối ưu nhất. Việt Nam vẫn đang kỳ vọng dựa vào nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời…
Song, các nguồn năng lượng này lại đòi hỏi nguồn chi phí tốn kém. Và theo vị chuyên gia này, tất cả đều phụ thuộc vào giá điện. Giá điện phải đủ sức để thu hút đầu tư nếu không sẽ không thể đáp ứng đủ nguồn cung điện trong tương lai.
Song song với câu chuyện về việc làm sao để thu hút đầu tư hiệu quả, vấn đề đáng lưu tâm hiện nay được các chuyên gia ngành điện nhắc nhiều, đó là phía tiêu dùng năng lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang duy trì một nền kinh tế quá tiêu tốn năng lượng, sử dụng năng lượng quá nhiều. Do đó, cần phải thay đổi tiếp cận.
“Nếu cứ làm xi măng, làm thép, làm đủ các loại sản phẩm công nghiệp tiêu tốn điện năng, nhưng công nghệ lạc hậu, thì bao nhiêu điện cung ứng cho đủ?” - TS Trần Đình Thiên đưa ra câu hỏi như vậy và theo vị chuyên gia này, tư duy đó cần sớm thay đổi.
Như vậy, không chỉ phụ thuộc vào việc thu hút đầu tư ra sao, bài toán cung ứng điện cho nền kinh tế còn phụ thuộc rất nhiều vào chính tư duy, phương thức sử dụng công nghệ trong sản xuất hiện nay từ phía các nhà quản lý và cộng đồng DN.