Phá thế quảng canh để thoát nghèo
Nuôi trâu là nghề truyền thống đã có từ lâu đời của các dân tộc ở huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Tuy nhiên, trước đây, do chăn nuôi quảng canh nên cái nghèo, cái đói cứ theo riết các hộ dân. Để người dân có cơ hội vươn lên xóa đói, giảm nghèo, nhiều năm nay Hoàng Su Phì đã định hướng, chuyển bỏ tập quán nuôi trâu bò thả rông sang phương thức chăn nuôi bán chăn thả.
Nhiều xã trong huyện Hoàng Su Phì người dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Tụ Nhân là xã vùng xa của huyện Hoàng Su Phì, ngoài các loại gia súc thì nuôi trâu vốn là nghề truyền thống của người dân. Cách đây vài năm, khi người dân mở rộng diện tích sản xuất thì những đồi cỏ bạt ngàn đã hẹp dần, do đó mà nuôi trâu, bò hướng thịt theo hình thức thả rông không còn thích hợp. Để phát huy thế mạnh về chăn nuôi, mô hình nuôi trâu bò vỗ béo theo hình thức bán chăn thả đã được triển khai.
Theo ông Lưu Đức Phường - Cán bộ khuyến nông xã Tụ Nhân, hiện nay trên địa bàn xã có 54 hộ thực hiện mô hình nuôi trâu bò bán chăn thả. Nhờ vào mô hình này mà một số hộ dân đã dần thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Đây chủ yếu là các hộ chăn nuôi tự phát, không được vay vốn của nhà nước để phát triển tổng đàn.
Nhắc tới mô hình chăn nuôi trâu bò bán chăn thả này ở Tụ Nhân, Tráng Văn Lù (thôn Cán Chỉ Dần, xã Tụ Nhân) luôn được nhắc đến. Anh Lù đến với nghề nuôi trâu bò theo hình thức này đã được 4 năm. Bằng việc chăm sóc, chủ động được thức ăn nên từ vài con ban đầu nay tổng đàn trâu, bò của gia đình anh lên đến 20 - 30 con. Trung bình hiện nay, ngoài việc giữ lại trâu bò để nhân giống thì mỗi năm gia đình anh bán được 5 con trâu, thu về số tiền 120 triệu đồng.
Cùng với Tụ Nhân, xã Pố Lồ cũng đang được coi là điểm sáng về mô hình bán chăn thả gia súc. Tại thôn Coóc Mưi Thượng, xã Pố Lồ, gia đình ông Lù Văn Tin cũng đang có những nguồn thu không phải ai cũng có. Theo ông Tin, từ 2 năm trước đây ngoài nghề làm ruộng và trồng màu gia đình anh không có nguồn thu gì nên đói kém lắm.
Từ khi mô hình nuôi trâu bò bán chăn thả được triển khai, nhận thấy hình thức này là hướng đi hiệu quả nên gia đình ông đã vay mượn để đầu tư chuồng trại, nuôi 10 con bò nhốt, với số vốn ban đầu 200 triệu đồng. Sau 2 năm triển khai mô hình nuôi bò nhốt kết hợp trồng cỏ phục vụ thức ăn tại chỗ, gia đình đã có nguồn kinh tế khá ổn định. Theo ông Lù Văn Tin mỗi năm gia đình bán được khoảng 8 đến 10 con bò, trừ hết chi phí cũng lãi được từ 50 - 100 triệu đồng, lợi nhuận hơn hẳn so với chăn nuôi lợn.
Nhận thấy mô hình nuôi nhốt bò vỗ béo của gia đình ông Tin có hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân trong xã đã đến, tìm hiểu, học cách chăn nuôi để áp dụng tại gia đình. Anh Lù Văn Kim, người cùng thôn đã học và thực hiện mô hình này. Anh Kim cho biết, đến thăm quan mô hình bò nuôi nhốt vỗ béo của ông Tin về, anh quyết định làm chuồng trại, trồng cỏ, mua 6 con bò về nuôi. Đến nay, sau 6 tháng gia đình cũng đã bán được 2 con bò, thu lãi hơn 10 triệu đồng.
Từ cách làm của gia đình ông Tin, chính quyền xã Pố Lồ đã vận động người dân mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư truồng trại, trồng cỏ nuôi trâu bò vỗ béo, từng bước tăng thu nhập.
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì, trong tổng số hơn 500 mô hình nuôi trâu, bò của huyện thì có gần 200 mô hình nuôi trâu hướng thịt theo phương pháp bán chăn thả tại các xã Tụ Nhân, Bản Péo và Thông Nguyên... Năm 2012, chỉ có khoảng 24 nghìn con, đến nay tổng đàn đã vượt con số 30 nghìn con và sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới, khi những chính sách hỗ trợ chăn nuôi được đưa vào thực hiện đồng bộ.
Ông Lù Xuân Thắng - Trưởng trạm thú y huyện Hoàng Su Phì cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn huyện có rất nhiều mô hình nuôi trâu bò theo hình thức bán chăn thả, nhìn chung các mô hình phát triển rất tốt, đem lại thu nhập cao cho bà con nhân dân. Thay đổi phương thức chăn nuôi cũng có nghĩa là người nông dân ở huyện Hoàng Su Phì đã và đang chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng có giá trị kinh tế cao. Đây là cách làm hay, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.