Vận động nhân dân vùng giáp biên sử dụng hàng Việt

ến 22/11/2016 17:00

Đây là khẳng định của Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại buổi kiểm tra công tác Mặt trận tỉnh Lạng Sơn năm 2016 vào ngày 22/11.

Theo đó, với trọng trách là vùng phên dậu của đất nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Lạng Sơn là phải nâng cao hơn nữa công tác vận động người dân vùng giáp biên sử dụng hàng Việt, chống hàng giả, hàng kém chất lượng góp phần giúp doanh nghiệp Việt tồn tại và phát triển. Doanh nghiệp phát triển, đất nước mới phát triển.

Cùng dự buổi làm việc có ông Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Quang cảnh buổi làm việc.

Mặt trận không thể “hành chính hoá”

Theo quyết định của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, việc kiểm tra công tác Mặt trận ở một số đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh nhằm phục vụ cho công tác thi đua năm 2016.

Lạng Sơn nằm trong cụm thi đua 7 tỉnh miền núi phía Bắc với hai của khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia, 7 cặp chợ biên giới, 98 bản giáp biên và 11 đồn biên phòng tiếp giáp với Trung Quốc.

Với vị trí, địa lý quan trọng như vậy, bà Nông Thị Lâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn cho biết, công tác đối ngoại nhân dân, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới và cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là một trong những công tác quan trọng của Mặt trận tỉnh Lạng Sơn.

Công tác Mặt trận không thể thực hiện theo cách “hành chính hoá” - nhấn mạnh tới điều này, bà Nông Thị Lâm cho rằng nếu hành chính hoá công tác Măt trận thì sẽ không thể nào nắm bắt được tâm tư nhân dân.

Bên cạnh việc phải về cơ sở, gắn bó với cơ sở, Mặt trận Lạng Sơn đã tận dụng rất hiệu quả kênh thông tin qua phiếu của các vị uỷ viên uỷ ban, những người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc để hiểu được người dân đang cần gì, suy nghĩ gì.

Đơn cử như câu chuyện sử dụng hàng Việt. Hiện nay tại tất cả các chợ của Lạng Sơn đều ngập tràn hàng hoá Trung Quốc. Hàng Việt tập trung nhiều trong các siêu thị và chủ yếu là hoa quả thực phẩm, hàng dệt may.

Thực tế, bà con ở các vùng giáp biên rất muốn sử dụng hàng Việt có uy tín chất lượng. Tuy nhiên để thực hiện được điều này không đơn giản, một mình Mặt trận không thể làm được.

“Thời gian qua, Mặt trận phối hợp với Sở Công Thương tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu vùng xa và được người dân ủng hộ nhiệt tình như phiên chợ ở Đình Lập, chỉ trong 2 ngày, toàn bộ hàng hoá được tiêu thụ hết và nhiều doanh nghiệp đã phải mang hàng hoá của mình trở lại nơi này để đáp ứng nhu cầu cho bà con. Đây chính là một phương thức hiệu quả để chúng tôi tập trung nâng cao cuộc vận động”, bà Nông Thị Lâm khẳng định.

Góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của địa phương

Tại huyện Cao Lộc- một địa bàn có trên 74 km đường biên giới tiếp giáp với thị trấn Bằng Tường, huyện Ninh Minh, Quảng Tây - Trung Quốc, chia sẻ với đoàn công tác, ông Hà Xuân Quang Bí thư Huyện uỷ huyện Cao Lộc cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng công tác Mặt trận đã góp phần quan trọng cùng với chính quyền địa phương hoàn thành 20/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của toàn huyện.

Theo đó, công tác Mặt trận bao trùm tới tất cả các công tác của huyện từ văn hoá đến quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng nông thôn mới.

Bà Thi Thị Phẻn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cao Lộc cho biết, đây là huyện sát biên giới nên nhu cầu sang Trung Quốc lao động, làm việc, của người dân địa phương là rất lớn.

“Chỉ vài bước chân là có thể đi sang nước khác nên nhiều người dân Cao Lộc hàng ngày vẫn đi sang bên kia biên giới để làm việc. Sáng đi tối về, có người đi vài ngày cho nên công tác tuyên truyền, vận động khi tập trung vào những nhóm đối tượng này thường nhấn mạnh đến việc tuân thủ pháp luật”, bà Phẻn khẳng định.

Đối với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Cao Lộc đã tham mưu với Huyện ủy ban hành Quyết định số 176 thành lập Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" huyện Cao Lộc với 17 thành viên.

“Chúng tôi tập trung vận động người dân không thực hiện hành vi sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng không bảo đảm an toàn trong sử dụng, hàng gian lận thương mại và kịp thời tố giác những hành vi trên”, bà Phẻn chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo bà Phẻn, nỗ lực, quyết tâm chính trị là có nhưng để việc thực hiện đạt kết quả đúng như mục đích yêu cầu đặt ra thì cần nhiều sự quyết tâm, phối hợp hơn nữa bởi hiện nay, Cao Lộc còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong nhận thức của người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh đó, trong vấn đề kinh phí, phụ cấp cho người thực hiện tại cơ sở như hoà giải viên, thành viên các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng hầu như là chưa có trong khi công tác này được thực hiện tương đối hiệu quả.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc họp.

Quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở

Chia sẻ với người làm công tác Mặt trận tỉnh Lạng Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn ghi nhận nhiều nỗ lực trong công tác thực hiện nhiệm vụ, góp phần cùng địa phương thực hiện thành công nhiều chỉ tiêu quan trọng như bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng nông thôn mới với 16 xã được công nhận nông thôn mới…

Lạng Sơn là một tỉnh đặc thù khi có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, mang trọng trách vùng phên dậu của đất nước, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc nâng cao chất lượng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam gắn với công tác đối ngoại nhân dân, gắn với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là những nội dung cần đặc biệt chú trọng.

Năm 2017 là năm giữa nhiệm kỳ, thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII MTTQ Việt Nam, có tính chất then chốt quyết định đến thành công của cả nhiệm kỳ, vì vậy, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các tổ chức thành viên cần tiếp tục triển khai Đề án đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam, nắm rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân, làm cho dân tin, từ đó phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Để thực hiện được những nhiệm vụ này, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, Lạng Sơn cần quan tâm đến chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở vì họ chính là đội ngũ hiện thực hoá các chủ trương, đường lối của tỉnh, trung ương.

Trên cơ sở những việc đã thực hiện, ông Trần Thanh Mẫn bày tỏ hy vọng trong thời gian tới. MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn phát huy tốt hơn nữa vai trò làm cầu nối, chủ động đưa ra các giải pháp để góp phần cùng Đảng, Nhà nước có những biện pháp, cách thức hiệu quả giải quyết tốt những vấn đề còn hạn chế, khó khăn như giám sát phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền…

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ Mặt trận Lạng Sơn tiếp tục trau dồi kiến thức có nhiều sáng tạo góp sức cùng chính quyền các cấp đưa tỉnh Lạng Sơn trở thành điểm sáng của khu vực và cả nước về công tác đối ngoại nhân dân, phát huy dân chủ, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chung tay xây dựng 500 lớp học vùng giáp biên

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn Nông Thị Lâm cho biết, bên cạnh làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, bảo vệ chủ quyền, kết nghĩa bản bản, Mặt trận đã chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên khảo sát và lên danh sách 500 lớp học ở các vùng giáp biên cần được hỗ trợ, xây dựng đồng thời phát động xã hội chung tay góp sức: Trường đẹp cho em. 14 trường học đã được xây dựng và hiện cuộc vận động đang nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ các cá nhân, tập thể, tổ chức và doanh nghiệp.

ến