Ngại dùng thẻ vì sợ mất tiền trong tài khoản
Một loạt các vụ việc tin tặc tấn công và nhiều khách hàng bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng cũng đang khiến nhiều người e ngại với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thanh toán thẻ là xu hướng tất yếu trong tương lai. Ảnh minh họa.
Thanh toán thẻ và ví điện tử là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ và hội nhập. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thói quen sử dụng tiền mặt của phần lớn người tiêu dùng và chi phí phát hành thẻ ở Việt Nam quá cao đang tạo ra những rào cản cho hoạt động thanh toán thẻ ở Việt Nam.
Đó là nhận định của các chuyên gia ngành tài chính – ngân hàng tại hội thảo “Tương lai thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử” do Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) tổ chức ngày 22/11, tại Hà Nội.
Thanh toán tiền mặt vẫn được ưa chuộng
Theo nhận định của TS Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), thị trường thẻ ngân hàng được hình thành tại Việt Nam từ những năm 1990. Tuy nhiên, phải sau năm 2002, thị trường này mới thực sự có những bước phát triển đáng ghi nhận về phát hành, thanh toán, sử dụng thẻ và phát triển mạng lưới.
Theo đó, tính đến hết năm 2015, toàn thị trường có 40/51 ngân hàng phát hành thẻ nội địa, với số lượng thẻ đạt hơn 81,85 triệu thẻ, trong đó chủ yếu là thẻ ghi nợ.
Như vậy, với tổng hơn 90 triệu dân, Việt Nam sắp đạt được con số bình quân mỗi người dân sở hữu một thẻ ngân hàng. Đối với thẻ trả trước nội địa, có 14/51 ngân hàng phát hành loại thẻ này với tổng số thẻ phát hành đạt hơn 2 triệu thẻ. Thẻ tín dụng nội địa có 8/51 ngân hàng phát hành với hơn 256.000 thẻ trên toàn thị trường.
Về thẻ quốc tế, có 40/51 ngân hàng phát hành với tổng số thẻ quốc tế tích lũy toàn thị trường đến cuối 2015 đạt trên 9,24 triệu thẻ, tăng 16,23% so với năm 2014, trong đó nhóm ngân hàng nước ngoài phát hành hơn 645.000 thẻ.
Cùng với sự gia tăng số lượng thẻ là doanh số sử dụng và doanh số thanh toán thẻ cũng tăng trưởng không ngừng. Nếu năm 2011, doanh số sử dụng đạt hơn 724.000 tỷđồng và doanh số thanh toán hơn 895.000 tỉ đồng thì đến năm 2015, các con số này lần lượt là hơn 1.637.000 tỷđồng và hơn 1.685.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 126% và 88%.
Theo TS Lê Huy Khôi, sự phát triển khá mạnh mẽ của thị trường thẻ điện tử đã đem lại nhiều lợi ích thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt và bước đầu thay đổi thói quen cũng như nhận thức của người tiêu dùng, DN trong việc sử dụng phương tiện thanh toán này – một phương thức thanh toán đã trở thành phổ biến từ lâu của nhiều các nước phát triển trên thế giới.
Sử dụng thẻ, tiền điện tử để thanh toán được đánh giúp người tiêu dùng, DN linh hoạt trong giao dịch, an toàn trong chi trả và đặc biệt người tiêu dùng sẽ không phải mang theo một số lớn bên người, hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra.
Tuy nhiên, mặc dù đã xuất hiện từ lâu, song ở Việt Nam hình không chỉ người tiêu dùng e ngại, mà nhiều DN cũng không mặn mà với phương thức trả tiền này.
Một con số khảo sát cho hay, trong năm 2015, mức độ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử trong các giao dịch trực tuyến giữa DN với khách hàng cá nhân còn rất thấp. Tỷ lệ DN chấp nhận thẻ thanh toán chỉ 16%, con số này không khác biệt nhiều so với các năm trước. Thực tế cho thấy, hình thức thanh toán bằng thẻ vẫn chưa được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Cần siết lại hành lang pháp lý
Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen của người tiêu dùng vẫn chuộng trả tiền mặt. Bên cạnh đó, một loạt các vụ việc tin tặc tấn công và nhiều khách hàng bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng cũng đang khiến nhiều người e ngại với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, hiện tượng các vụ gian lận, lừa đảo liên quan đến giao dịch tài chính cá nhân xuất hiện nhiều thời gian gần đây tại Việt Nam không phải là mới. Các vụ việc tương tự đã xuất hiện từ rất lâu ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ, châu Âu – những nơi công nghệ phát triển và việc sử dụng phương thức thanh toán thẻ đã trở nên phổ biến và rộng rãi.
Để khuyến khích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt – xu hướng tất yếu của thời kỳ công nghệ và hội nhập, giới chuyên gia ngành tài chính – ngân hàng cho rằng, rất cần có những thay đổi về chính sách để hỗ trợ DN cũng như các khách hàng thanh toán thẻ, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu bảo mật thông tin.
Theo TS Lê Huy Khôi, để hạn chế những rủi ro về bảo mật thông tin như đã từng xảy ra gây ảnh hưởng lớn đến tài sản của các khách hàng sử dụng thẻ, ngành ngân hàng cần chủ động và tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong việc phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, thiết lập các kênh trao đổi thông tin để kịp thời phối hợp, xử lý nhiều vụ gian lận, lừa đảo trong thanh toán thẻ, thanh toán điện tử.
TS Khôi cũng cho rằng, các ngân hàng không nên quá chú trọng vào việc tăng số lượng thẻ mà cần nỗ lực cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ, tăng cường công tác chăm sóc khách hàng để gia tăng tỷ lệ thẻ hoạt động thường xuyên.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất một hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới phát triển; đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam.