Nhập siêu trở lại
Nhập siêu đang quay trở lại và có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm. Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 10/2016 của cả nước đạt gần 31,25 tỷ USD, tăng 4,3% tương ứng tăng hơn 1,27 tỷ USD so với tháng trước.
Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đã từ chỉ số dương quay sang âm, giảm nhẹ 0,1%. Trọn vẹn cả tháng 10 toàn nền kinh tế xuất khẩu 15,4 tỷ USD trong khi đó kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh 8,9%, tương ứng với 1,29 tỷ USD đạt 15,85 tỷ USD.
Tính trong tháng 10, cán cân thương mại tháng 10 của Việt Nam thâm hụt 445 triệu USD. Các thị trường nhập khẩu lớn nhất vẫn tiếp tục là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan.
Vì tháng 10 nhập siêu nên kéo theo kết quả, thặng dư thương mại (xuất siêu) 10 tháng giảm xuống còn 3,25 tỷ USD. Luỹ kế 10 tháng năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 284,56 tỷ USD.Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 143,9 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ, và nhập khẩu đạt gần 140,66 tỷ USD tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng chủ yếu đạt 103,19 tỷ USD, chiếm 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, lớn nhất là các nhóm hàng như điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giầy dép các loại; ...
Kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng chủ yếu đạt 89,5 tỷ USD, chiếm 65% trong tổng kim ngạch nhập khẩu chủ yếu của cả nước. Trong đó, các nhóm hàng lớn nhất như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện; vải các loại; …
Việc Việt Nam vẫn có xu hướng nhập siêu quay trở lại được các chuyên gia kinh gia kinh tế phân tích đến từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, các mặt hàng nông nghiệp chủ lực như gạo hay cà phê đang giảm khá sâu về giá và lượng so với cùng kỳ đã làm giảm giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.
Ngành hàng gạo đang tụt dốc không phanh, với những dữ liệu tổng hợp thì tổng khối lượng xuất khẩu cả năm nay chỉ đạt trên dưới 5 triệu tấn, thấp kỷ lục kể từ năm 2009 đến nay.
Điều này kéo theo nguy cơ khiến các măt hàng nông sản đối diện với thực tế xuất khẩu thấp. Số liệu mới nhất từ Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ ra trong 10 tháng xuất khẩu được 4,2 triệu tấn, đạt giá trị 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về sản lượng và 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Thứ hai, dầu thô cũng giảm theo đà giảm của thế giới nên mặc dù sản lượng xuất khẩu tăng đáng kể nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu lại không đạt được so với cùng kỳ năm ngoái.
Song quan trọng hơn Việt Nam vẫn là nước nhập siêu bởi nền kinh tế chưa phát triển ở mức cao và rất cần đầu tư. Theo đó, Việt Nam cần rất nhiều máy móc thiết bị cho các dự án hạ tầng; Việt Nam cần nhập khẩu nguyên phụ liệu để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và chế biến hàng xuất khẩu.
Trong thời gian qua, Việt Nam cũng ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng với các nước đối tác, nhu cầu đầu tư để mở rộng sản xuất của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng tăng, khiến cho nhập khẩu tăng.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ phân tích, nhập siêu trong tháng 10 cũng là điều dễ hiểu, vì đây là tháng đón đầu của quý IV, thời điểm các doanh nghiệp nhập hàng tập trung sản xuất hoàn thành các đơn hàng để xuất khẩu.
Cũng theo ông Lưu Bích Hồ vẫn cần theo dõi hơn nữa các số liệu quản lý về đầu tư, nâng sức cạnh tranh và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Đặc biệt, khi công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, thiếu hụt đầu vào cho sản xuất, một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu được đưa vào theo các dự án FDI. Song sức lan tỏa của các dự án FDI đối với các thành phần kinh tế khác không có, đòi hỏi các biện pháp kiểm soát phải hiệu quả hơn nữa.