Bất cập về thanh tra chuyên ngành BHXH
Bất cập trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT đối với cơ quan BHXH là lực lượng chính thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành là viên chức. Trong khi theo luật thì đó phải là công chức.
Thực hiện thanh tra về đóng BHXH, BHYT, BHTN giúp hạn chế nợ đọng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Theo đánh giá của cơ quan BHXH Việt Nam, việc triển khai thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN gặp không ít khó khăn.
Kết quả bước đầu
Để chuẩn bị về nguồn lực cho công tác thanh tra, cơ quan BHXH Việt Nam phối hợp với Trường Nghiệp vụ thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ tổ chức đào tạo nghiệp vụ thanh tra cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, công tác thu; mua sắm bổ sung trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành.
Nhờ đó đến nay toàn ngành BHXH có khoảng 5.500 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác kiểm tra và công tác thu. Trong đó, có 1.300 người đã được đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành (BHXH Việt Nam 60 người, BHXH các tỉnh, thành phố là 1.240 người) đủ điều kiện để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Đối với việc triển khai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật BHXH sửa đổi và Nghị định số 21/2016/NĐ-CP của Chính phủ năm 2016, BHXH Việt Nam đã tiến hành 5 cuộc thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT, trong đó phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ LĐTB&XH thanh tra thí điểm tại 02 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, hiện đang triển khai 01 đoàn tại tỉnh Lạng Sơn.
Quá trình kiểm tra đã phát hiện 616 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 157,7 tỷ đồng (BHXH Phú Thọ trên 63 tỷ đồng, BHXH Hưng Yên 94,4 tỷ đồng). Phát hiện 6.108 trường hợp thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa tham gia BHXH, BHTN, BHYT, đóng thiếu thời gian tham gia, đóng thiếu 7% mức lương đối với lao động đã qua đào tạo, 5% mức lương đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại.
Cũng trong năm 2016, BHXH Việt Nam đã tiến hành 8 cuộc kiểm tra và phối hợp thanh tra liên ngành phát hiện 13.836 trường hợp thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa tham gia BHXH, BHTN, BHYT, đóng thiếu thời gian tham gia, đóng thiếu 7% mức lương đối với lao động đã qua đào tạo, 5% mức lương đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại (Bạc Liêu 1.982, Lào Cai 807, Đồng Tháp 817, Thái Nguyên 1.183, Khánh Hòa 556, Vĩnh Phúc 8.491).
Tại BHXH địa phương, tính đến ngày 31/10/2016, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiến hành kiểm tra 13.911 đơn vị (trong đó có 364 BHXH quận, huyện; 10.316 đơn vị sử dụng lao động; 726 cơ sở KCB BHYT và 2.505 đại lý thu, đại diện chi trả) yêu cầu thu hồi, truy thu 69, 6 tỷ đồng (trong đó, 32,5 tỷ đồng là số phải thu hồi, truy thu năm 2015 chuyển sang).
Vẫn còn không ít khó khăn
Mặc dù vậy, theo BHXH Việt Nam vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức. Cụ thể tại Khoản 3 Điều 13 Luật BHXH 2014 quy định “cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN và BHYT theo quy định của Luật và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Tuy nhiên, Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 quy định cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là công chức.
Điều này dẫn đến bất cập trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đối với cơ quan BHXH vì lực lượng chính thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành là viên chức.
Do đó, đây là một bất cập cần được nghiên cứu bổ sung cho phù hợp với thực tế của ngành BHXH khi được Quốc hội giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Từ những khó khăn, bất cập trên, để việc thanh tra được thuận lợi và đem lại kết quả, cơ quan BHXH cho rằng, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về xử lý tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH, BHTN đối với người lao động.