Người Hải Phòng tin tưởng sản phẩm ‘Made in Vietnam’
Người tiêu dùng Hải Phòng đã có nhận thức đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của hàng Việt Nam, tin tưởng lựa chọn các sản phẩm mang nhãn hiệu “Made in Vietnam”.
Đoàn kiểm tra làm việc tại Hải Phòng.
Ngày 23/11, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban Ban Thư ký BCĐ Trung ương CVĐ làm Trưởng đoàn kiểm tra tại TP Hải Phòng.
Dự làm việc với Đoàn có ông Phạm Văn Mợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng; cùng các thành viên trong Ban Chỉ đạo TP và đại diện các sở, ban, ngành địa phương.
Tại buổi làm việc, Đoàn đã được nghe đại diện Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP Hải Phòng báo cáo kết quả Cuộc vận động năm 2016; kết quả triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TP.
Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể các cấp, sự tham gia tích cực của các ngành, các lực lượng, các cơ quan tuyên truyền, các tổ chức kinh tế trong quá trình triển khai có sự chặt chẽ, xuyên suốt, phối hợp khá đồng bộ.
Đoàn kiểm tra khảo sát thực tế tại siêu thị Co.opmart TP Hải Phòng.
Năm 2016, MTTQ các cấp TP Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập hợp các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.
Trong đó, ưu tiên phối hợp Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trở thành một trong những nội dung tuyên truyền trọng điểm và là tiêu chí trong các phong trào thi đua yêu nước.
Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần làm chuyển biến trong nhận thức, thay đổi tâm lý “sính” hàng ngoại trong một bộ phận người tiêu dùng, có nhận thức đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của hàng Việt Nam, tin tưởng lựa chọn các sản phẩm mang nhãn hiệu “Made in Vietnam”.
Người tiêu dùng từng bước nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng và những loại hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.
Nhận thức của các doanh nghiệp hướng vào thị trường nội địa được nâng lên rõ rệt.
Cụ thể, các doanh nghiệp đã tham gia, tìm hiểu thị trường mua sắm đầy tiềm năng mà từ trước tới nay đã bỏ ngỏ. Nhiều doanh nghiệp có ý thức, xem đây là cơ hội vàng để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa.
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được các doanh nghiệp thực hiện trong nhiều năm đã góp phần đáp ứng nhu cầu về số lượng các mặt hàng thiết yếu của nhân dân, đảm bảo nhân dân được sử dụng hàng hóa có chất lượng ổn định với mức giá hợp lý.
Chương trình được triển khai hiệu quả thông qua các kênh phân phối như: Tổ chức các hội chợ thương mại, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vận động các doanh nghiệp tổ chức các chuyến đưa hàng Việt đến vùng sâu, vùng xa, khu vực hải đảo...
Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường TP thường xuyên tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh ATTP.
Kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường 10 tháng đầu năm 2016 có 1.815 vụ được kiểm tra; tổng số vụ xử lý: 1.193 vụ; tổng số tiền xử lý: 6,6 tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước là: 5,6 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện Cuộc vận động còn một số tồn tại.
Cụ thể, trên thị trường vẫn còn xảy ra những vụ buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Đa số các doanh nghiệp Hải Phòng quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Sản phẩm của doanh nghiệp chưa đa dạng, chưa cạnh tranh về giá cả. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, kinh nghiệm xúc tiến thương mại.
Không ít doanh nghiệp chưa quan tâm đến thị trường nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Các doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn vẫn gặp khó khăn về vận chuyển hàng hóa tiêu thụ, địa điểm bán hàng rất cần có sự hỗ trợ từ nhà nước.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng địa phương với tâm lý cho rằng hàng nhập ngoại có chất lượng tốt hơn và thói quen mua sắm hàng nhập ngoại giá rẻ, chủ yếu là hàng hóa Trung Quốc nhập lậu, kém chất lượng. Do đó, trong một thời gian ngắn chưa thể thay đổi ý thức tiêu dùng của mình...
Ghi nhận những kết quả đã đạt được của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân TP Hải Phòng trong việc tích cực triển khai, thực hiện Cuộc vận động, ông Võ Văn Quyền cho rằng thời gian tới TP cần kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng. Cùng với đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá rộng rãi thương hiệu hàng Việt đạt chất lượng cao đến người tiêu dùng...
Trong chương trình công tác, Đoàn kiểm tra đã đi khảo sát thực tế tại siêu thị Co.opmart TP Hải Phòng.