California có thể trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Mỹ
Một chiến dịch đấu tranh để bang California trở thành quốc gia độc lập đang lan rộng và nước Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ chỉ còn 49 bang nếu chiến dịch này thu thập được nửa triệu chữ ký để tiến hành trưng cầu ý dân vào năm 2018.
Những người tham gia chiến dịch đòi California độc lập khỏi Mỹ (Ảnh: Yahoo).
Chiến dịch đấu tranh để bang California trở thành quốc gia độc lập còn được biết đến với cái tên “Calexit”. Thuật ngữ này tương tự như “Brexit” chỉ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu ý dân diễn ra hồi tháng 6 vừa qua.
Chiến dịch này ngày càng lan rộng sau khi tỷ phú Donald Trump bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng này. Nhiều người dân đã đồng loạt đăng lên mạng xã hội Twitter dòng trạng thái với các hashtag #Calexit hay #Califrexit, thể hiện sự ủng hộ một bang California độc lập khỏi 49 bang còn lại của Mỹ.
Đi đầu trong phong trào này là một nhóm vận động mang tên “Yes California Independence Campaign” (tạm dịch: Chiến dịch ủng hộ độc lập cho California, gọi tắt là Yes California).
Hôm 21/11, Yes California đã có bước đi chính thức đầu tiên trong những nỗ lực giành độc lập cho bang này khi trình đề xuất lên Văn phòng Tư pháp Tiểu bang. Đề xuất yêu cầu hiến pháp của bang loại bỏ phần cho rằng California là “một phần không thể tách rời của Mỹ”, đồng thời yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn bang vào năm 2018.
Đề xuất này sẽ được Văn phòng Tư pháp tiểu bang xem xét. Sau khi được chấp thuận, Yes California sẽ có 90 ngày để thu thập ít nhất nửa triệu chữ ký để đủ điều kiện tiến hành trưng cầu dân ý trên toàn bang.
Chiến dịch trên đã được khởi động cách đây 2 năm, nhưng nó chỉ được đẩy mạnh từ khi ông Donald Trump bất ngờ đắc cử tổng thống. Theo kết quả, người dân California đã dành cho bà Hillary Clinton tới 61,6% số phiếu phổ thông và bảo toàn 55 phiếu đại cử tri dành cho bà.
Cũng giống Anh rời khỏi EU, việc California tách khỏi Mỹ cần được tiến hành thông qua một tiến trình pháp lý phức tạp và mất nhiều thời gian. Kể cả khi người dân California bỏ phiếu tách khỏi Mỹ, hiến pháp sẽ phải thay đổi và điều này cần nhận được sự chấp thuận của Quốc hội và 38 bang thì California mới Calexit thành công.
Yes California cho rằng nước Mỹ đang có nhiều điều mâu thuẫn với các giá trị mà California theo đuổi. Tuy nhiên, nhóm này cũng cho biết họ chưa xác định loại hình chính phủ mới là gì, do quốc hội hay tổng thống đứng đầu. Theo nhóm này, người dân California sẽ chọn loại hình chính phủ mà mình muốn thông qua các cuộc bầu cử.
Yes California cho rằng việc tiếp tục là một bang của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nhiều lợi ích của California về kinh tế, an ninh, vấn đề nhập cư, môi trường, giáo dục và nhiều vấn đề khác.