Hôm nay, Chính phủ Colombia ký thỏa thuận hòa bình với FARC
Chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng (FARC) sẽ ký kết một thỏa thuận hòa bình mới tại Bogota trong ngày 24/11, sau khi một thỏa thuận trước đó nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài đến nửa thế kỷ qua ở nước này đã bị bác bỏ trong một cuộc trưng cầu dân ý.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos kêu gọi ủng hộ thỏa thuận hòa bình trước ngày ký kết. (Nguồn: AP).
Được biết, thỏa thuận hòa bình mới sẽ được trình trước Quốc hội nước này để phê chuẩn, thay vì tổ chức thêm một cuộc trưng cầu dân ý khác.
Hồi tháng trước, các cử tri đi tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu đã bất ngờ bác bỏ thỏa thuận đầu tiên. Giới phê bình cho rằng chính phủ đã quá nhẹ tay với phe nổi dậy.
“Chính phủ và phái đoàn của FARC đã nhất trí sẽ ký kết thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc xung đột và xây dựng một nền hòa bình ổn định và lâu dài” - các nhà đàm phán ở cả hai bên nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 23/11.
Thỏa thuận hòa bình mới lần đầu tiên được công bố vào ngày 12/11 vừa qua. Lễ ký kết dự kiến sẽ được tổ chức vào lúc 11h00 sáng ngày 23/11 (24/11 giờ VN) tại Bogota.
Sau đó, thỏa thuận này sẽ được trình lên Quốc hội. “Chúng tôi đang làm việc để thực hiện các tiến trình cần thiết”, tuyên bố nêu rõ. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos khẳng định rằng đề xuất mới sẽ mạnh mẽ hơn và cũng bao gồm cả các thay đổi mà các phe đối lập yêu cầu ông trước đó.
Tuy nhiên, đối thủ hàng đầu của ông Santos, cựu Tổng thống Alvaro Uribe, đã lên tiếng bác bỏ thỏa thuận này. Ông Uribe khẳng định rằng các thủ lĩnh của FARC không nên được phép tham gia tranh cử vào các vị trí chính phủ trong khi đang chịu các mức án vì tội ác diệt chủng.
“Dù toàn bộ văn bản này được bỏ phiếu thuận, hay chỉ các vấn đề nhạy cảm được thông qua, hoặc không có thỏa thuận nào, chúng ta vẫn phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc” - ông Uribe nói.
Trong khi đó, chính phủ của ông Santos thì dự kiến sẽ trình thỏa thuận hòa bình xem xét lại này lên Quốc hội để thảo luận chi tiết hơn, đồng thời kêu gọi giới lập pháp hãy phê chuẩn nó một cách nhanh chóng.
Một lệnh ngừng bắn hai phía giữa chính phủ Colombia và FARC đã đi vào hiệu lực kể từ hồi tháng 8 vừa qua, tuy nhiên cả hai bên đều đưa ra nhiều cảnh báo về lệnh ngừng bắn dễ đổ vỡ này.
“Lệnh ngừng bắn này chỉ khiến tăng thêm rủi ro” - ông Santos nói - “Chúng ta cần phải nhanh chóng chuyển tới giai đoạn thứ hai”.
Tổng thống Santos đưa ra phát biểu trên sau khi tham dự một cuộc họp khẩn cấp với giới chức cấp cao nhằm giải quyết hàng loạt các vụ ám sát chính trị gia ở miền Nam nước này.
Sự quan ngại về lệnh ngừng bắn dễ đổ vỡ đã trỗi dậy từ hồi tuần trước khi 2 tay súng của FARC bị giết hại trong cái mà chính quyền cho là một vụ đụng đột với quân đội chính phủ.
Ông Uribe đã đề nghị gặp gỡ với các thủ lĩnh của FARC, nhưng đã bị lực lượng này bác bỏ vì cho rằng ông là một chướng ngại đối với tiến trình hòa bình.
“Ông Uribe đã quản lý kém, tham nhũng và gây ra tình trạng đổ máu ở Colombia trong suốt 8 năm” (cho đến khi ông này nghỉ hưu vào năm 2010); một trong số các thủ lĩnh của FARC, Pablo Catatumbo, viết trên tài khoản Twitter các nhân. “Ông ấy chưa từng muốn hòa bình mà chỉ muốn đánh bại FARC, điều mà ông ấy không thể làm được”.
Giới phân tích chính trị ở Colombia cho rằng sẽ tốt hơn nếu Colombia đạt được sự nhất trí về thỏa thuận hòa bình mới, dù cho điều này khó có thể đạt được do vấp phải các yêu sách của phía đảng đối lập do ông Uribe dẫn đầu.
Thêm vào đó, nếu xuất hiện sự phản đối với thỏa thuận này, chính phủ và FARC cũng khó có thể đưa ra các cam kết của mình đối với thỏa thuận.
Thỏa thuận hòa bình toàn diện lần này sẽ nhằm mục đích sẽ giúp FARC giải ngũ và giải giáp vũ khí trong vài tháng tới dưới sự quan sát của LHQ. Tuy hnieen, giới chức nước này cảnh báo rằng, thỏa thuận này càng để lâu sẽ càng làm tăng rủi ro bạo lực.
Được biết, cuộc xung đột ở Colombia bắt đầu từ năm 1964 khi FARC được hình thành để chiến đấu giành quyền sở hữu đất đai tại các khu vực nông thôn.
Tổ chức này thu hút được vô số các nhóm vũ trang cả cánh tả và cánh hữu, thậm chí cả một số lực lượng vũ trang thuộc chính phủ và băng đảng tội phạm. Tính đến nay, cuộc xung đột này đã khiến ít nhất 260.000 người thiệt mạng và 7 triệu người khác bị mất nhà cửa.