Trẻ hiễm HIV bị 'lãng quên'?
Còn hơn 30% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Nhiều địa phương chưa xây dựng mạng lưới liên kết dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan trao giải giải nhất và độc đáo vẽ tranh
và sáng tác thông điệp về chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS” năm 2016.
Cần có cơ chế cho phép người nhiễm HIV được thanh toán BHYT tại tất cả các phòng khám, điều trị ngoại trú-đó là đề xuất của các đại biểu tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 22/11.
30% trẻ em nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT
Trẻ em là đối tượng phải chịu nhiều hậu quả nặng nề do HIV/AIDS tác động làm hạn chế, làm xấu đi, thậm chí làm mất đi những quyền cơ bản mà trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được hưởng.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020.
Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 570/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Các mục tiêu của Quyết định bước đầu đạt được, giúp cho quyền của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được thực hiện tốt hơn về cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của trẻ.
Theo thống kê, tỷ lệ trẻ em trong diện quản lý được hỗ trợ đầy đủ các dịch vụ theo nhu cầu (chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, hưởng chính sách hỗ trợ…) là 70%.
Tuy nhiên đánh giá về 3 năm triển khai Quyết định nhận thức của cộng đồng, các cấp, các ngành tại một số địa phương vẫn còn hạn chế, hiện nay vẫn còn 27 tỉnh, thành phố chưa bố trí kinh phí cho việc thực hiện Quyết định.
Khoảng 30% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ bị nhiễm HIV. Việc tiếp cận với dịch vụ điều trị của trẻ bị nhiễm HIV/AIDS tại một số nơi còn khó khăn do thiếu phòng khám điều trị tuyến huyện, do sự kỳ thị phân biệt đối xử.
Còn hơn 30% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Nhiều địa phương chưa xây dựng mạng lưới liên kết dịch vụ BVCSTE bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
“Độ mở rộng, độ bao phủ của dịch vụ điều trị cho trẻ em cũng còn nhiều hạn chế. Hiện có 36 cơ sở điều trị nhi, còn lại là các cơ sở lồng ghép, thiếu những người có trình độ chuyên môn sâu về điều trị nhi và xử lý các tình huống.
Việc điều trị ARV ở tuyên huyện được mở rộng xuống tuyến xã vẫn còn nhiều khoảng trống trong điều trị nhi. Việc tiếp cận bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV nói chung và trẻ em còn rất thấp”- ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết.
Tăng cường cơ chế phối hợp
Theo thống kê, hiện số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Việt Nam là 121.723 trẻ, trong đó trẻ em nhiễm HIV/AIDS là 6.800; trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV/AIDS là 73.129; trẻ có nguy cơ nhiễm cao (Trẻ em sử dụng ma túy; trẻ em là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy; trẻ em sống trong các cơ sở trợ giúp trẻ em) là 41.794 em.
Để có giải pháp hữu hiệu bảo vệ trẻ bị nhiễm HIV, nhiều đại biểu cho rằng, để các cháu bé bị nhiễm HIV được đảm bảo quyền lợi khi các nguồn tài trợ quốc tế kết thúc, cần rà soát các dịch vụ khám và điều trị HIV được BHYT hỗ trợ, trong đó, xem xét việc đưa thuốc kháng HIV, thuốc bổ trợ và một số xét nghiệm vào danh mục do BHYT chi trả. Cũng cần có cơ chế cho phép người nhiễm HIV được thanh toán BHYT tại tất cả các phòng khám, điều trị ngoại trú.
Trước ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cho biết, tới đây liên bộ sẽ có mô hình, quy trình chung, những cách thức làm hiệu quả nhất để triển khai trên toàn quốc nhằm hỗ trợ trẻ em nhiễm HIV.
Cụ thể giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐTB&XH tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Hỗ trợ tối đa cho trẻ nhiễm HIV và phơi nhiễm với HIV để được quản lý, duy trì điều trị bằng thuốc ARV; Kiện toàn hệ thống điều trị HIV/AIDS theo hướng đảm bảo sự bền vững…
“Trước mắt, chúng tôi sẽ bàn với Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT rà soát lại cơ chế phối hợp giữa 3 Bộ, đặc biệt trong vấn đề kết nối các dịch vụ để hỗ trợ cho các em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS liên quan đến giáo dục, y tế, thực hiện bảo vệ, chăm sóc trẻ em dưới địa phương.
Từ đó đưa ra mô hình, quy trình chung, những cách thức làm hiệu quả nhất để triển khai trên toàn quốc. Chúng ta cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức trong vấn đề thực hiện chăm sóc cho trẻ em bị HIV/AIDS”- Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.