Làm gì để phát triển thị trường KHCN?
Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu đổi mới, chuyển giao công nghệ cao nhưng phần nhiều vẫn quan tâm đến nguồn cung công nghệ nước ngoài do yêu cầu nghiêm ngặt của các đối tác nước ngoài khi đàm phán nhập khẩu các hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.
Cần đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ từ các viện, trường.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức ngày 23/11.
Doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ cao
Theo TS Tạ Việt Dũng- Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, hiện nay nhu cầu về chuyển giao công nghệ và cung cấp máy móc thiết bị chiếm đến 64% tổng số nhu cầu công nghệ trong các doanh nghiệp (DN), tập trung chủ yếu ở các khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ.
Nhu cầu công nghệ của DN đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, nguồn cung công nghệ nước ngoài vẫn thu hút được sự quan tâm đáng kể của DN trong nước như Nhật Bản, Hàn Quốc...
“Nguồn cung công nghệ trong nước đang tiếp cận với nhu cầu thực tế của thị trường. Các viện, trường đã quan tâm phát triển các công nghệ hoàn chỉnh để tích hợp trong các dây chuyển sản xuất hơn là các nghiên cứu chỉ dừng ở quy mô phòng thí nghiệm như trước đây. Mức độ quan tâm của nguồn cung công nghệ trong nước của DN cũng tăng dần” - TS Dũng nhận định.
Hiện Việt Nam đã có cẩm nang công nghệ, trong đó giới thiệu hơn 500 các quy trình, thiết bị công nghệ của các tổ chức, cá nhân do các chuyên gia nghiên cứu lựa chọn và xây dựng. Đây là những thông tin hữu ích đặc biệt ý nghĩa với các DN, tổ chức, các nhân có nhu cầu đổi mới, chuyển giao công nghệ.
Gắn kết “3 nhà”
Theo TS Phạm Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, để phát triển thị trường KHCN, TS Phạm Anh Tuấn cho rằng cần sự gắn kết chặt chẽ “3 nhà” Viện, trường, DN.
Cụ thể, cần hoàn thiện và đổi mới cơ chế cho các nhiệm vụ đặc thù “Giải mã công nghệ mới” theo hướng khoán đến sản phẩm cuối cùng với giá thấp hơn nhập khẩu công nghệ từ 30-50% có sự phối hợp và đối ứng kinh phí của viện, trường, DN.
Khuyến khích và tạo cơ chế hỗ trợ phát triển loại hình DN KHCN trong các viện nghiên cứu và trường ĐH. Đào tạo nguồn nhân lực KHCN từ các Viện, trường, theo nhu cầu của DN và định hướng phát triển của các địa phương.
Đồng tình với quan điểm này, TS Tạ Việt Dũng cho rằng hiện nay viện nghiên cứu và các trường ĐH là những cơ quan có tiềm năng nghiên cứu để tạo ra công nghệ mới.
Mặc dù thời gian qua đã có sự thay đổi đáng kể về phương thức hoạt động, tuy nhiên vẫn tồn tại những hạn chế như thiếu cách tiếp cận từ thực tiễn sản xuất nên hiệu quả trong nghiên cứu là chưa cao.
Về phía DN, TS Nguyễn Đình Trọng- Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam cho biết, hiện nay khó khăn lớn nhất đối với các DN Việt Nam nói chung, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực KHCN là do văn hóa sính ngoại của người tiêu dùng Việt Nam.
Các DN Việt Nam nhìn chung là các DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Nền tảng về KHCN và kinh nghiệm quản lý ít. Bên cạnh đó, nguồn vốn còn rất hạn chế, sự hỗ trợ của nhà nước có một số chương trình rất hữu ích nhưng chưa đi vào cuộc sống một cách sâu rộng.
Vì vậy, bản thân DN cần phải có kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết, phải chuẩn bị đầy đủ nguồn lực từ nhân lực đến vật lực, tránh lãng phí cơ hội, tránh bị lùng bùng trong quá trình thực hiện.