Trung Quốc có cơ hội lớn nếu Mỹ rút khỏi TPP
Trung Quốc sẽ nắm trong tay cơ hội tái định hình lại các quy luật trong thương mại toàn cầu và hưởng lợi ích từ một nước Mỹ cô lập hơn nếu như Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện cam kết của ông trong việc rút khỏi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), giới quan sát nhận định.
Tổng thống đắc cử Donald Trump từng cam kết sẽ rút khỏi TPP
ngay ngày đầu tại Nhà Trắng. (Nguồn: CNN).
Khả năng Mỹ rút khỏi TPP như ông Donald Trump từng hứa hẹn ngay trong ngày đầu làm Tổng thống đã được hoan nghênh bởi các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc, nơi mà thỏa thuận này bị chỉ trích như một nỗ lực tăng tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và bao vây Bắc Kinh.
Theo tờ People’s Daily, mục tiêu của TPP là “thiết lập sự thống trị kinh tế của Mỹ bằng cách gạt bỏ và kiềm chế Trung Quốc về mặt kinh tế”. Hướng đi mới của ông Trump sẽ “giúp Trung Quốc hưởng lợi nhiều nhất từ chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ”, tờ Global Times nói, thêm rằng nền kinh tế lớn thứ hai của họ có thể “dẫn đầu thương mại tự do”.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, nhà tài phiệt địa ốc Donald Trump từng cam kết sẽ rút khỏi các thỏa thuận thương mại mà ông cho là hút hết công ăn việc làm của người Mỹ và tiêu diệt các mảnh đất công nghiệp của họ.
Trong tuần này, ông đã nhắc lại cam kết sẽ rút khỏi TPP - một thỏa thuận thương mại tự do được đàm phán và chấp thuận giữa 12 quốc gia thuộc vành đai Thái Bình Dương, trừ Trung Quốc - ngay trong ngày đầu tiên tại Nhà Trắng.
Các đồng minh của Mỹ, những bên đã bỏ ra nhiều năm liền để đóng góp xúc tiến TPP đã thể hiện rõ sự thất vọng của mình. Thỏa thuận này được coi là di sản về mặt kinh tế của Tổng thống Barack Obama, và việc Mỹ rút khỏi sẽ khiến cho thỏa thuận này trở thành “vô nghĩa”, như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng bình luận vài ngày trước.
Trung Quốc và Mỹ trong mấy năm gần đây đã bắt đầu tăng cường tranh giành tầm ảnh hưởng về ngoại giao, trong bối cảnh mà Bắc Kinh đang tìm cách nâng sức mạnh ngoại giao để phù hợp với sức mạnh kinh tế vượt trội. Họ thường xuyên nhắc tới mối quan hệ với Washington như một “mô hình mới của mối quan hệ giữa các cường quốc”, tự đặt mình ở vị thế ngang bằng với Mỹ.
“Nếu nước Mỹ rút khỏi TPP, nó có thể mở cánh cửa đối với Trung Quốc để phất triển một khu vực thương mại tự do ở châu Á” - các nhà phân tích tại HIS Global Insight, nhận định.
Một số quốc gia, trong đó có cả Australia, đã thể hiện rõ sự hứng thú đối với các thỏa thuận thương mại thay thế khác, như Hiệp ước Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Bắc Kinh khởi xướng. RCEP hy vọng sẽ có sự góp mặt của 10 thành viên khu vực Đông Nam Á và thêm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand và đương nhiên trừ Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Nam Mỹ mới đây cũng tìm cách thúc đẩy các mối quan hệ thuong mại. Trong lúc tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Lima, Peru vừa qua, ông Tập đã kêu gọi các nước châu Á-Thái Bình Dương xây dựng một Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) mà Bắc Kinh đề xuất và “tiếp tục đi theo tiến trình toàn cầu hóa kinh tế”.
Hiện Trung Quốc đang đứng trên trường quốc tế với tư cách một quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy thương mại tự do, nhưng ở trong nước lại vẫn còn nhiều hạn chế đối với các công ty nước ngoài - điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói sẽ khắc phục và trao quyền nhiều hơn cho các công ty nước ngoài.
TPP là sản phẩm của nhiều năm đàm phán đầy trắc trở, và tiêu chuẩn cao về môi trường và lao động mà nó áp đặt với các thành viên - không giống như RCEP - đồng nghĩa với việc nhiều chính phủ tham gia ký kết sẽ phải hết sức nỗ lực để phê chuẩn nó. Và một khi thất bại, nó cũng sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều tới các nước thành viên.
Các đồng minh châu Á của Mỹ có thể sẽ phải tìm cách để xây dựng một mối quan hệ đối tác ổn định và lâu dài hơn với Trung Quốc và điều này sẽ giúp Bắc Kinh có lợi hơn về mặt kinh tế và chiến lược.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Geng Shuang, hôm 23/11 cho hay Bắc Kinh sẽ “tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.