Nga Sơn - Thanh Hóa: Ba Đình - khúc tráng ca bất tử

Nguyễn Chung 25/11/2016 09:35

Cuộc khởi nghĩa Ba Đình năm 1886-1887, là đỉnh cao của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX ở Thanh Hóa. Dù thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa này như một bản tráng ca bất diệt, một lần nữa khẳng định tinh thần yêu nước nồng nàn, sức mạnh đoàn kết của người dân đất Việt trải qua mấy nghìn năm đấu tranh dựng và giữ nước. Đồng thời, Ba Đình còn là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với các thế hệ người dân Nga Sơn, người dân Thanh Hóa nói riêng và người dân Vi

Du khách thăm quan khu trưng bày hiện vật cuộc khởi nghĩa Ba Đình.

Từ một Ba Đình quật khởi…

Cách đây 130 năm, tại xã Ba Đình (Nga Sơn) đã diễn ra cuộc khởi nghĩa lớn nhất của phong trào Cần Vương, chống lại thực dân Pháp xâm lược. Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình là Đinh Công Tráng, Phạm Bành và Hoàng Bật Đạt…

Với vị trí có nhiều lợi thế về quân sự nên Đinh Công Tráng đã xây dựng Ba Đình thành khu căn cứ rộng 400m, dài 1,2 km với lũy tre dày đặc và một hệ thống hào rộng cắm đầy chông tre. Trên mặt thành, nghĩa quân đặt các rọ tre chứa đất nhào rơm xếp vững chắc có những khe hở làm lỗ châu mai sẵn sàng chiến đấu. Phía trong thành có hệ thống giao thông hào. Các hầm chiến đấu được xây dựng theo hình chữ “Chi” để hạn chế thương vong. Tại vị trí đình của mỗi làng được xây dựng một đồn đóng quân. Làng Thượng Thọ có đồn Thượng, làng Mậu Thịnh có đồn Trung, làng Mỹ Khê có đồn Hạ. 3 đồn này tạo thành thế ỷ dốc, hỗ trợ cho nhau khi bị tấn công và cũng có thể chiến đấu độc lập. Có thể nói căn cứ Ba Đình là một tuyến phòng ngự quy mô nhất thời Cần Vương.

Từ Ba Đình, nghĩa quân có thể tỏa ra các nơi, kiểm soát các tuyến giao thông quan trọng trong vùng, phục kích các đoàn xe vận tải của địch đi lại trên con đường Bắc Nam, do đó thực dân Pháp quyết tâm tiêu diệt căn cứ này. Sau khi xây dựng quân sự xong, quân ta đã đánh bại nhiều đợt tấn công của địch và liên tiếp tấn công các phủ, thành,... chặn đứng nhiều đoàn xe, đoàn quân lẻ gây nhiều thiệt hại cho kẻ thù. Đặc biệt với sự trang bị bằng các vũ khí: súng hỏa mai, giáo mác, cung nỏ, có lúc quân ta là những nông dân đang gặt hái trên đồng ruộng, chờ khi quân Pháp đi từ Hà Nội về đã dùng đòn càn đánh túi bụi gây hoang mang cho địch. Pháp đã điều động Đại tá Brissand thống lĩnh 76 sĩ quan và 3.500 quân vây hãm, tiến đánh căn cứ Ba Đình. Nghĩa quân Ba Đình đã chiến đấu dũng cảm suốt 32 ngày đêm với kẻ địch đông quân có vũ khí tối tân hiện đại nên bị thương vong rất nhiều, cuối cùng phải mở đường máu vượt qua vòng vây dày đặc của giặc lên căn cứ Mã Cao tiếp tục chiến đấu…

Cuộc khởi nghĩa Ba Đình đã đi vào lịch sử với những chiến công chói lọi. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tại Quảng trường mang tên cuộc khởi nghĩa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng âm vang cuộc khởi nghĩa Ba Đình vẫn còn vang vọng mãi. Nhiều dấu tích của cuộc khởi nghĩa còn ghi dấu ấn như: 3 đình làng ở Mỹ Khê, Mậu Thịnh, Thượng Thọ. Riêng làng Mỹ Khê còn lưu giữ sắc phong của triều đình. Căn cứ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1992. Đồng thời, đây còn là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ về tinh thần độc lập, tự chủ vốn có tự ngàn đời của dân tộc.

Đến một Nga Sơn phồn thịnh

Phát huy truyền thống khởi nghĩa Ba Đình, từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ huyện Nga Sơn đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và công cuộc kiến thiết, đổi mới đất nước.

Kể từ khi thành lập Đảng bộ lâm thời, qua các kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội đều có nhiệm vụ khác nhau, nhưng dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng bộ cũng luôn lãnh đạo nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phong trào kháng chiến, kiến quốc, đưa hàng ngàn con em lên đường nhập ngũ và hàng ngàn lượt người đi dân công hỏa tuyến phục vụ các chiến trường và không ít người đã hy sinh. Ghi nhận sự đóng góp này, Đảng và Nhà nước đã phong tặng Nga Sơn 1 Huân chương Quân công hạng Nhất, 4 Huân chương Chiến công hạng Ba; được phong tặng, truy tặng 165 Mẹ Việt Nam anh hùng, 3 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; xã Nga Lĩnh, Nga Thạch được tặng đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang…

Đất nước khải hoàn và sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Nga Sơn đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đảng bộ đã vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng vào thực tế địa phương, khai thác tiềm năng, lợi thế, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế hàng hóa nên tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010 - 2015 đạt bình quân 13,1%, thu nhập đầu người năm 2015 đạt 21,4 triệu đồng/ người.

Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế. Toàn huyện đã đạt 14,27 tiêu chí, có 7 xã hoàn thành NTM và 2 xã về đích năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 9,36%.... Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở không ngừng lớn mạnh, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Đảng bộ đang phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị, đi đầu trong các phong trào thi đua, lãnh đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị 03 và 05 của Bộ Chính trị, xây dựng Đảng bộ trong sạch - vững mạnh…

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và anh hùng, kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Ba Đình và 70 năm thành lập Đảng bộ là dịp để ôn cố, tri tân, tạo động lực để Nga Sơn sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ (2015 - 2020) đã đề ra, phấn đấu đến năm 2020 sẽ về đích NTM.

Nguyễn Chung