Nuôi con nuôi quốc tế: Vẫn còn nhiều khúc mắc
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.
Việc nuôi con nuôi quốc tế cần tháo gỡ một số vướng mắc.
Năm 2012, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế (Công ước La Hay). Công ước được áp dụng trực tiếp nhằm điều chỉnh việc cho, nhận con nuôi quốc tế tại Việt Nam không qua giai đoạn chuyển tiếp. Ngay sau khi Công ước La Hay có hiệu lực thi hành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1233 phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Công ước La Hay giai đoạn 2012-2015 nhằm nâng cao nhận thức về Công ước La Hay và tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nuôi con nuôi.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, giai đoạn 2011-2015, cả nước đã có 14.539 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi, trong đó có 12.768 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước và 1.771 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài.
Đánh giá về công tác giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Hảo cho biết, trong giai đoạn 2012-2016, công tác giải quyết việc nuôi con nuôi quốc tế được thực hiện tuân thủ đúng quy định pháp luật, bước đầu có sự gắn kết với nghiệp vụ công tác xã hôi trong quá trình giải quyết nuôi con nuôi. Trẻ em Việt Nam được giải quyết làm con nuôi nước ngoài chủ yếu tại các nước có quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam trong khuôn khổ Công ước La Hay và các hiệp định hợp tác song phương, cụ thể như ở Pháp, Italya, Canada, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ…
Các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu lập danh sách, xác nhận trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi đến việc giới thiệu và thông báo kết quả giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Nhiều trẻ em bị bệnh tật hiểm nghèo, trẻ em khuyết tật được nhận làm con nuôi, được chăm sóc và chữa trị bệnh tật trong điều kiện y tế hiện đại. Nhiều trường hợp trẻ em tìm lại được cha mẹ đẻ để đoàn tụ gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực việc triển khai công tác giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài ở một số địa phương còn chậm, hạn chế về số lượng, chưa đồng đều và chưa có sự quan tâm đầy đủ của các cấp có thẩm quyền. Việc chỉ định các cơ sở trợ giúp đủ điều kiện cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài trong thời gian qua khiến cho nhiều cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập không được tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Một số lượng lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội chưa hoặc không tìm được gia đình thay thế ở trong nước và nước ngoài.
“Cho đến nay, trên toàn quốc mới có 80/480 cơ sở trợ giúp xã hội tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, trong số đó có 55 cơ sở trợ giúp xã hội được UBND cấp tỉnh chỉ định giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Trong số 55 cơ sở nuôi dưỡng được chỉ định, 20 cơ sở nuôi dưỡng chưa hề giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài” - bà Nguyễn Thị Hảo cho biết.
Nhiều đại biểu cũng cho biết, trong giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, vẫn còn tồn tại tư duy và nhận thức cũ, đó là gắn việc nhận con nuôi với việc hỗ trợ nhân đạo. Theo khuyến nghị của Công ước La Hay, việc giải quyết nuôi con nuôi quốc tế cần có sự tham gia của nhiều cơ quan chuyên môn liên ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, tâm lý và xã hội. Vì vậy, trên thực tế có những trường hợp cha mẹ nuôi từ chối nhận trẻ em được giới thiệu làm con nuôi hoặc trả lại trẻ em sau khi đã đến Việt Nam hoàn tất thủ tục giao nhận vì vấn đề sức khỏe và tâm lý của trẻ (Trẻ em bị bệnh hoặc mức độ khuyết tật nặng hơn rất nhiều so với tình trạng mô tả trong hồ sơ của trẻ hoặc trẻ em lớn tuổi không được chuẩn bị đầy đủ về tâm lý và các điều kiện cần thiết khác để làm con nuôi).
Từ những vướng mắc trên, để đảm bảo việc thực thi Công ước La Hay có hiệu quả, nhằm phục vụ đắc lực cho công tác bảo vệ trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, ý kiến các đại biểu cho rằng, cần tập trung tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành ở Trung ương và địa phương; tập huấn về kiến thức và kinh nghiệm tâm lý xã hội cho cán bộ công chức làm công tác nuôi con nuôi quốc tế; tăng cường trao đổi để có điều chỉnh phù hợp hoặc đưa ra những định hướng đúng trong quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và các nước. Đồng thời, các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát tình hình cho, nhận con nuôi quốc tế và tình hình tài chính có liên quan đến việc cho nhận con nuôi quốc tế...