Đổi mới tranh tụng, hạn chế oan sai
Tranh tụng trong xét xử có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quyền tư pháp, tạo ra môi trường dân chủ bình đẳng trong quan hệ tố tụng, buộc các chủ thể có thẩm quyền từ điều tra, truy tố, xét xử nâng cao năng lực, trình độ, hạn chế được chủ quan, duy ý chí trong đấu tranh phòng chống tội phạm qua đó góp phần trong việc hạn chế oan sai.
Ảnh minh họa.
Trao đổi với ĐĐK, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), nguyên Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho rằng, cần phải đổi mới quá trình tranh tụng.
Ông Nhưỡng cho rằng: Tranh tụng là một trong những nguyên tắc căn bản được ghi trong Hiến pháp “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Đây là tinh thần mới và quan trọng của cải cách tư pháp. Tại sao phải đưa tranh tụng vào? Vì tranh tụng vừa đảm bảo tính công khai, vừa đảm bảo được xem xét một cách đầy đủ và đa diện nhất tất cả các loại chứng cứ trong đó có nhân chứng và vật chứng để cho chính bản thân các chủ thể tham gia vào quá trình tranh tụng bao gồm: cơ quan buộc tội là công tố; luật sư; và bản thân bị can bị cáo thể hiện hết bản lĩnh, hiểu biết của mình và để cho xã hội người ta biết được bản chất của vụ án là cái gì.
Theo ông Nhưỡng, nếu chúng ta chỉ có thẩm vấn, mà cơ chế của thẩm vấn là cơ chế buộc tội cho nên có tranh tụng là một sự thay đổi lớn. Nhưng việc xét xử ở nước ta không hoàn toàn là tranh tụng mà là bảo đảm nguyên tắc tranh tụng. Theo Đề án báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp, Bộ Chính trị thì chúng ta kết hợp mô hình tranh tụng và mô hình thẩm vấn. Tức là chúng ta phát huy được tất cả các ưu việt của hai mô hình đó. “Ví dụ thẩm phán ở các nước khác họ không phải hỏi nhưng ta vẫn hỏi vì thẩm phán là người quyết định cho nên phải tìm hiểu chứ không chỉ giữ trật tự phiên tòa và quyết định. Chúng ta cũng không có bồi thẩm đoàn cho nên ta phải kết hợp”-ông Nhưỡng nói.
Muốn đảm bảo tranh tụng phát huy được hiệu quả, ông Nhưỡng bày tỏ một số quan điểm. Trước hết, phải tổ chức khoa học các phiên toà. Ví dụ như đảm bảo vị trí của các chủ thể trong phiên tòa, rất cơ học nhưng lại là rất quan trọng. Trong đối tụng thì luật sư và công tố phải đối tụng với nhau để đảm bảo chân lý và phát huy đầy đủ các chứng cứ. Nhưng muốn đảm bảo được điều đó thì trình độ các chủ thể phải nâng cao, thẩm phán phải nắm chắc tố tụng, pháp luật để quyết định, trình độ của công tố viên.
Ông Nhưỡng nhấn mạnh: Khi tham gia vào quá trình đó thì anh phải đưa ra hồ sơ mà nó đã có một cách trung thực kết quả điều tra, có nghĩa là công tố phải kiểm soát, gắn liền với điều tra còn công tố mà hời hợt chỉ bê nguyên hồ sơ của cơ quan điều tra ra là không được. Hoặc luật sư mà không tham gia sâu, không đủ trình độ không được đào tạo bài bản, kỹ năng không có thì không có kỹ năng tranh tụng. Cho nên 3 chủ thể đó là quan trọng mà ta gọi là “chân kiềng” tranh tụng. Còn trong vụ án có tính chất dân sự như lao động, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại hành chính thì kỹ năng đó cũng phải phát huy.
Bên cạnh đó, chủ thể phải được đào tạo và rèn luyện. Hệ thống đào tạo các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư phải được đưa vào chương trình trong đó có nội dung và kỹ năng nghề. Vì thế cần đổi mới quá trình đào tạo và tăng cường tiếp cận nghề nghiệp. Luật sư phải lao vào các cuộc điều tra bởi tranh tụng không chỉ tranh tụng tại phiên tòa mà bao quát của tất cả các vấn đề trước.
Ông Nhưỡng cũng cho rằng, kỹ năng của người tham gia vào quá trình tranh tụng là kỹ năng toàn diện nên cần đào tạo và trải nghiệm chứ không thể tranh tụng ngay được. Một người có thể có kiến thức rất rộng nhưng không nắm được quá trình tố tụng, thủ tục tư pháp căn bản thì chắc chắn không thể tranh tụng được.