Mừng đại thọ phu nhân Cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh
Sáng ngày 25/11, tại xã Mỹ Quới, Thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các Sở, Ban ngành tỉnh, Thị xã Ngã Năm đã tổ chức mừng Đại thọ bà Ngô Thị Huệ (phu nhân Cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) tròn 100 tuổi và Khánh thành Công trình cách mạng Cơ sở xã Mỹ Quới, nhà lưu niệm đồng chí Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ).
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thể trao bức trướng chúc mừng
đại thọ cho bà Ngô Thị Huệ.
Đến dự lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bí thư thành ủy TP HCM Đinh La Thăng; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải; nguyên Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan Trung ướng Đảng, Chính phủ và đại biểu các tỉnh thành trong khu vực và đông đảo nhân dân Thị xã Ngã Năm.
Bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ), sinh năm 1918 tại xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, là một trong 10 đại biểu nữ của Quốc hội Việt Nam khóa đầu tiên; nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ thuộc Ban Tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà là phu nhân của ông Nguyễn Văn Linh tức Mười Cúc, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 1986-1991.
Sớm tiếp cận với các tài liệu cộng sản và sớm tham gia hoạt động cách mạng, 11 tuổi Ngô Thị Huệ đã được người anh rể là ông Trần Văn Bảy giác ngộ cách mạng, thoát ly gia đình đi cách mạng với vai trò giao liên.
Năm 1936 khi mới 18 tuổi bà đã được kết nạp vào Đảng.
Sau đó bà tham gia hoạt động cách mạng tại nhiều địa bàn, là Huyện ủy viên huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (1937), Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Trà Vinh (1938), Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cần Thơ (1939), Ủy viên Liên tỉnh ủy Hậu Giang gồm 6 tỉnh miền Tây (1940).
Khi 22 tuổi, bà Ngô Thị Huệ là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, tham gia lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23 tháng 11 năm 1940. Bà đã nhiều lần bị bắt và bị kết án tù chung thân khổ sai. Khi phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, bà bị bắt ngồi tù 12 tháng nhưng sau đó được tuyên trắng án.
Tới tháng 6 năm 1942 bà lại bị bắt lần hai và lần này bị tuyên án khổ sai chung thân, bị giam cầm, tra tấn lần lượt ở các nhà tù Chợ Quán, Chí Hoà rồi Côn Đảo.
Mãi 3 năm sau, đến tháng 6 năm 1945 sau một số lần tổ chức phá khám vượt ngục bà mới được giải thoát về Bạc Liêu. Bà tham gia Tỉnh ủy lâm thời, tổ chức cách mạng tháng Tám và cướp chính quyền ở Bạc Liêu.
Tháng 1 năm 1946, ngày tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ngô Thị Huệ đã trở thành đại biểu Quốc hội, một trong 3 nữ đại biểu Quốc hội đại diện miền Nam Việt Nam trong số 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bà ra Hà Nội nhận công tác Quốc hội vào tháng 10 năm 1946.
Đầu năm 1947, Ngô Thị Huệ trở lại miền Nam tiếp tục hoạt động và được cử và Ban Thường vụ Thành ủy. Bà tiếp tục tham gia các công tác Ban tổ chức Xứ ủy, Ban Phụ vận, Đảng đoàn Phụ nữ Nam Bộ từ năm 1952 đến năm 1954, làm đại biểu Quốc hội lưu nhiệm (miền Nam) khóa II và III.
Năm 1954, sau Hiệp định Genève Ngô Thị Huệ về Sài Gòn làm Trưởng ban Phụ vận Thành ủy. Năm 1959 bà cùng các con ra Hà Nội học tập và công tác. Bà từng giữ trọng trách Vụ trưởng Vụ Tổ chức, Ban Cán bộ Trung ương, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IV.
Sau khi nghỉ hưu về Thành phố Hồ Chí Minh, bà Ngô Thị Huệ tích cực tham gia các phong trào phụ nữ. Bà là một trong những người thuộc nhóm thành lập Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, rồi sau đó phát triển thành Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, ủy viên Hội đồng biên soạn lịch sử Nam bộ Kháng chiến. Bà cũng có mặt và đóng góp công sức của mình trong nhiều chương trình từ thiện, là người đã có công vận động để lập ra Bệnh viện miễn phí An Bình (nay thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh).
Năm 1993, tại cuộc họp Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ngô Thị Huệ cùng một số cán bộ đã đề xuất thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1994 Khi Hội được Thành ủy, UBND thành phố cho thành lập, bà Ngô Thị Huệ là một trong những người đầu tiên tham gia, vận động các nhà hảo tâm cùng góp công sức, tiền bạc, thuốc men, vận động các bác sĩ nổi tiếng đi cùng để chăm lo cho các cụ già nghèo, neo đơn, các trẻ em nghèo bất hạnh của thành phố và trên cả nước.
Bà giữ cương vị Phó chủ tịch Hội trong các nhiệm kỳ kéo dài từ 1994-2009 và vẫn tiếp tục là Ủy viên thường vụ của Hội cho đến năm 2015.
Với quá trình hoạt động cách mạng và cống hiến của mình, Ngô Thị Huệ đã được Nhà nước Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam trao tặng nhiều huân chương, huy chương kháng chiến các loại. Bà cùng 5 nữ cán bộ cách mạng lão thành trong Tổ Sử phụ nữ Nam Bộ được phong tặng Huân chương lao động hạng Nhất vào năm 1997.
Đặc biệt, nhân kỷ niệm 82 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2012), bà được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và Huân chương Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng bà Ngô Thị Huệ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chúc sức khỏe bà Ngô Thị Huệ.
Thay mặt Đảng bộ, nhân dân tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã trân trọng trao tặng bà Ngô Thị Huệ bức trướng chúc mừng đại thọ và chúc sức khỏe tới bà Ngô Thị Huệ, trân trọng cảm ơn những đóng góp quý báu của bà cho quê hương Sóc Trăng.
Nhân dịp này, Văn phòng Trung ương Đảng đã trao 220 phần quà trị giá 260 triệu đồng cho các Mẹ VNAH, các em học sinh, thương binh và gia đình chính sách của xã Mỹ Quới.
Cũng dịp này, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức khành thành công trình Cơ sở cách mạng xã Mỹ Quới, nhà lưu niệm đồng chí Ngô Thị Huệ.
Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 120m2 với kinh phí 1,5 tỷ đồng, khởi công từ tháng 7/2016 và hoàn thành vào tháng 10/2016.
Phía trong nhà lưu niệm được trưng bày nhiều hình ảnh về các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thời kỳ kháng chiến và có nhiều tủ sách với nhiều đầu sách quý ở nhiều lĩnh vực khác nhau với mục đích phục cho nhu cầu đọc sách, mở mang kiến thức cho người dân xã Mỹ Quới.