Tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập trung kiểm tra, điều tra, xử lý kịp thời các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Ảnh minh họa.
Thời gian qua, tình trạng đổ trộm chất thải (phế thải xây dựng, chất thải hầm cầu, chất thải sinh hoạt và các chất thải khác), xả thải không qua xử lý, vứt xác súc vật ra môi trường, nhất là ra biển, các lưu vực sông, suối, kênh rạch, ao hồ diễn biến phức tạp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức khỏe nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân (Cảnh sát môi trường) phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tập trung phát hiện, ngăn chặn, xử phạt kịp thời và nghiêm minh các hành vi chôn, lấp, xả thải, đổ phế thải xây dựng, chất thải hầm cầu, chất thải sinh hoạt và các chất thải khác, vứt xác súc vật ra môi trường, nhất là ra biển và các lưu vực sông, suối, ao hồ, kênh rạch; khẩn trương điều tra, truy tố các hành vi tội phạm gây ô nhiễm môi trường.
Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp và lực lượng thanh tra chuyên ngành môi trường trong quản lý địa bàn, kiểm tra, điều tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm về chôn lấp, đổ, xả thải ra môi trường các loại chất thải nói trên.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Lực lượng Thanh tra môi trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát môi trường và Ủy ban nhân dân các địa phương, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật môi trường và tội phạm môi trường.
UBND các cấp theo thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với lực lương thanh tra chuyên ngành, quản lý chặt chẽ địa bàn và các cơ sở sản xuất kinh doanh có xả thải ra môi trường, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường nêu trên theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tuyên truyền vận động nhân dân, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng có liên quan, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Trước đó, ngày 24/11, Công an TP Hà Nội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, Toà tổng Giám mục Hà Nội và Tổng hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc đồng tổ chức Hội thảo khoa học Bảo vệ môi trường trong tình hình hiện nay, tầm nhìn đến năm 2025. Tại đây, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chia sẻ bài toán bảo vệ môi trường đối với một siêu đô thị như Hà Nội vào năm 2025.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, 7 lĩnh vực có nguy cơ xả thải trực tiếp tại Hà Nội cần giao cho 7 tổ chức thành viên của MTTQ chủ trì và theo dõi. Các tổ chức trên sẽ thực hiện cùng các sở, ngành liên quan. Thành phố cấp tiền và kinh phí cho 7 hoạt động này.