Phối hợp tuyên truyền về hàng Việt
"Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ để trong năm tới có phối hợp giữa quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, cơ quan truyền thông" trong công tác tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận buổi làm việc.
Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi dẫn đầu đoàn kiểm tra thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Đài Truyền hình Việt Nam chiều 25/11.
Dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh; Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Hoàng Vĩnh Bảo; Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải cùng đại diện lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.
Báo cáo kết quả triển khai Cuộc vận động năm 2016 của Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng ban Thư ký Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Hà Nam cho biết, với uy tín và lợi thế của Đài Truyền hình quốc gia, việc tuyên truyền sâu rộng về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên các kênh sóng đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi dần diện mạo của hàng Việt, tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng nội địa.
Từ đó, từng bước xóa dần tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận cán bộ và nhân dân, làm thay đổi hành vi và xây dựng được văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam trong xã hội.
Bên cạnh đó, các tin, bài, chương trình tuyên truyền của Đài Truyền hình Việt Nam còn trở thành cầu nối giúp các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường, khắc phục những điểm còn hạn chế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam.
Ngoài ra, còn hỗ trợ tốt cho công tác giám sát, phổ biến nhân rộng điển hình các tập thể, cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động ở địa phương, cơ sở.
"Cuộc vận động đã được Đài Truyền hình Việt Nam tuyên truyền khá đậm nét, xuyên suốt và liên tục trên các kênh sóng trong thời gian qua. Đài đã chủ động phối hợp với nhiều Bộ, Ban, ngành, các đoàn thể chính trị, các doanh nghiệp để thể hiện khá toàn diện và đa dạng về Cuộc vận động từ nội dung đến hình thức thể hiện, từ phạm vi đề tài đến kênh phát sóng", ông Trần Bình Minh thông tin.
Các nội dung về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Đài Truyền hình Việt Nam thể hiện trong các tin tức, phóng sự trong các bản tin thời sự và các chuyên mục như: Khuyến công, Nông nghiệp sạch, Chính sách kinh tế và Cuộc sống, Truyền hình Công thương… hoặc lồng ghép trong nhiều chương trình truyền hình khác nhau, kể cả các chương trình giải trí.
Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh phát biểu tại buổi làm việc.
Theo ông Trần Bình Minh, việc tuyên truyền trên các kênh truyền hình đang được lan rộng và đây là lúc phải hợp sức giữa các cơ quan truyền thông để thúc đẩy việc tiêu thụ hàng Việt.
"Truyền hình chỉ có thế mạnh khi truyền hình có đông người xem, thế mạnh của truyền hình được đo theo từng khung giờ và rating tốt, hiện sản phẩm hàng Việt được quảng cáo trên truyền hình rất cao, chính vì vậy người làm truyền hình cần nhận thức được trách nhiệm của mình để tăng nhận thức người Việt Nam trong việc dùng hàng Việt.", ông Trần Bình Minh khẳng định.
Phó trưởng Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam Lê Quang Minh phát biểu tại buổi làm việc.
Về vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền hàng Việt, ông Lê Quang Minh, Phó trưởng Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam cho rằng, truyền thông cần phải có những thông điệp gần gũi hơn để kéo người tiêu dùng vào cuộc như chương trình “Made in India” và “American first” của Ấn Độ và Hoa Kỳ đã có những thông điệp hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của khán giả và tạo sự chuyển biến tích cực cho vấn đề này.
Cùng với truyền thông, sự vào cuộc của các địa phương trong việc kết nối doanh nghiệp làm việc trên địa bàn với người dân thông qua việc phối hợp với các cơ quan truyền thông để thúc đẩy người dân ưu tiên sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, sự tham gia của các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc quảng bá hàng Việt đóng vai trò rất lớn cho thành công của chương trình.
Kiểm tra thực hiện Cuộc vận động, đoàn kiểm tra đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức thể hiện công tác tuyên truyền cuộc vận động, để phát huy được sức mạnh của truyền thông trong việc khuyến khích người Việt Nam lựa chọn và sử dụng hàng nội địa.
Tập trung đẩy mạnh công tác thông tin về Cuộc vận động thành vệt tuyên truyền lớn với sự xuất hiện của những nhân vật có uy tín và sức hút công chúng. Đồng thời, thời gian tới truyền thông để người Việt không chỉ ưu tiên dùng hàng Việt mà còn tự hào sử dụng hàng Việt.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Kim Thoa (áo vàng)
cùng các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Kim Thoa, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam nhiều chương trình hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", và những thông điệp đài truyền hình phát đi mang lại hiệu ứng cao trong nhân dân, bất cứ điểm bán hàng Việt tại bất cứ địa điểm nào trên toàn quốc đều được sự tham gia của Đài Truyền hình Việt Nam, hiệu quả tiếp cận hàng việt với người dân tăng cao và người dân thấy tự hào khi sử dụng hàng Việt, từ đó các nhà sản xuất nâng cao vai trò của mình với người dân.
Đối với chương trình nhận diện hàng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai tuyên truyền và đã nhắm vào đối tượng tuổi trẻ. Thành công của chương trình mang lại là thanh niên đã ngày càng yêu thích sử dụng hàng Việt và hiểu được thông điệp của sản phẩm hàng Việt.
"Việc cải tiến các thông điệp càng ngày càng mới, hợp tính thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam đã đẩy mạnh việc tham gia sử dụng hàng Việt trong nhân dân", Thứ trưởng Hồ Kim Thoa khẳng định.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân biểu dương Đài Truyền hình Việt Nam - đơn vị tiêu biểu trong các cơ quan truyền thông đã chủ động, sáng tạo, sát cánh cùng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Cuộc vận động.
Chủ tịch nêu rõ: Dù không có một chương trình chuyên biệt nhưng chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Đài tuyên truyền thực hiện ở rất nhiều kênh. Điều này đã góp phần cùng các kênh tuyên truyền khác thực sự giúp người Việt Nam quan tâm đến hàng Việt Nam có chất lượng tốt, có ý thức mua hàng Việt Nam, phát huy nỗ lực của các doanh nghiệp, các địa phương phát triển hệ thống tiêu thụ… Qua đó góp phần khẳng định, chúng ta mua bán trên tinh thần có kinh tế thị trường, có lòng yêu nước”.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Chúng ta không nói nhiều thì không được nhưng nói nhiều mà giống nhau cũng không tốt, phải nói bằng nhiều kênh. Vậy giữa nói nhiều và tác dụng cuối cùng người nghe nhớ cái gì? Họ sẽ nhớ triết lý và tình cảm. Nếu thông điệp của chúng ta góp phần khẳng định triết lý, người dân có thể hiểu.
Có những nội dung có thể như một triết lý mà Đài Truyền hình Việt Nam có thể gửi gắm vào các kênh, các loại hình.
Điển hình như: nói đến ưu tiên dùng hàng Việt Nam là nói cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh sòng phẳng. Đây không có nghĩa là bài ngoại. Để nói về cạnh tranh sòng phẳng, ví dụ như xuất khẩu, người mua sẽ lựa chọn những thứ tốt hơn chứ không người nước ngoài nào mua hàng Việt Nam vì thương người Việt Nam cả. Đó là một sự cạnh tranh.
Quang cảnh buổi làm việc.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhận định: Thực tế cho thấy người Việt Nam có thể cạnh tranh, xuất khẩu hàng hóa, bởi chúng ta có lợi thế tự nhiên đó là chi phí lao động thấp, có chí khí lao động.
Người Việt Nam có thể sản xuất hàng rẻ chính là vì chúng ta có lao động chi phí thấp nhưng điểm yếu là công nghệ kém, năng suất thấp. Vì vậy cần làm rõ vì sao hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu đi được.
Với lợi thế tự nhiên là chi phí thấp, còn chất lượng, chỉ cần người Việt Nam quyết tâm là làm được. Điều này có nghĩa Đài Truyền hình Việt Nam cần góp phần để thực hiện được quyết tâm nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam.
Điểm thứ ba cần làm rõ là vì sao cần ưu tiên hàng Việt Nam. Bởi mỗi lần người Việt Nam bán được hàng hóa là mỗi lần Việt Nam có thêm lao động không thất nghiệp.
Nếu những sản phẩm đó ngang nhau chúng ta nên mua hàng Việt. Nếu giá tương đương, chất lượng tương đương, vì yêu nước chúng ta nên mua hàng Việt Nam. Đây là tình cảm yêu nước, không thay thế được quy luật cạnh tranh. Thực tế, nhiều hàng Việt Nam phù hợp với văn hóa người Việt hơn.
Để gửi thông điệp này, Đài Truyền hình Việt Nam có thể lựa chọn một số lãnh đạo, doanh nghiệp có uy tín, văn nghê sỹ, người cao tuổi, lớp trẻ hoặc đại diện các tôn giáo để nói về uy tín, độ tin cậy của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.
Đây là điểm Đài Truyền hình Việt Nam đã làm tốt trong thời gian qua, cần tiếp tục phát huy trong tương lai. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý.
Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc sẽ phối hợp với các bộ, ngành thảo luận vận hành một chương trình thông minh, đồng bộ, toàn diện, có thông điệp rõ ràng trong quản lý nhà nước về vấn đề này.
Cần có chương trình đồng bộ, tương tác từ sự kiện truyền hình, sự kiện các bộ ngành, địa phương tổ chức tạo thành một vòng tương tác. Tinh thần là công tác truyền thông phải làm quanh năm, để đến một lúc nào đó sẽ trở thành nét văn hóa về sử dụng hàng Việt.
Để làm được điều này cần giải đáp được các câu hỏi cốt lõi của người dân. Chúng ta phải biết người dân đang suy nghĩ gì để giải đáp thẳng vấn đề đó. Nếu người dân băn khoăn về chất lượng, Bộ Công Thương hoặc Bộ Y tế phải giải đáp, góp phần tăng tính đối thoại.
"Đài Truyền hình Việt Nam nên tăng đối thoại, giải đáp thẳng những vấn đề người dân đang suy nghĩ, không để kéo dài. Chương trình của Đài nên có đánh giá chất lượng sản phẩm, có so sánh, thực tế chúng ta làm được đến đâu; phân tích thị trường cuối năm từng loại mặt hàng chính, tỷ lệ bao nhiêu, tăng hay giảm. Phải đưa những thông tin đó ra để xã hội thấy được những chuyển biến, để nỗ lực hơn nữa", Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Đài có thể bám hoạt động các địa phương, chủ đề đô thị, nông thôn đang làm gì để có sự thay đổi.
"Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ để trong năm tới có phối hợp giữa quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, cơ quan truyền thông", Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.