Thổ Nhĩ Kỳ dọa mở cửa biên giới để người di cư tràn vào châu Âu
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 25/11 đã lên tiếng cảnh báo rằng chính phủ của ông sẽ mở các cửa khẩu biên giới để cho phép người di cư tràn vào châu Âu nếu như họ chịu thêm một sự thúc ép nào của Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng nhiều lần đưa ra “tối hậu thư” cho EU. (Nguồn: Reuters).
Tuyên bố xuất hiện giữa lúc các nhà lập pháp của EU bỏ phiếu để ngừng các cuộc đàm phán về việc Ankara gia nhập.
“Chúng tôi là những người đã nuôi sống 3,5 triệu người tị nạn tại quốc gia này. Các bạn đã phản bội lại các cam kết của mình” - Hãng tin AP dẫn lời ông Erdogan nói về EU - “Nếu các bạn còn tiếp tục điều này, các cửa khẩu biên giới sẽ được mở ra”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn cáo buộc EU đã không đối xử một cách công bằng với người tị nạn, nói rằng họ “chưa từng đối xử với con người một cách trung thực” và “đã không chịu trục vớt thi thể những đứa trẻ khi chúng bị sóng đánh trôi dạt trên bờ biển Địa Trung Hải”, theo tờ Hurriyet của nước này.
Lời cảnh báo của ông Erdogan trong việc sẽ mở cửa các cửa khẩu đề cập tới một thỏa thuận đã được ký kết giữa EU và chính quyền Ankara hồi tháng Ba vừa qua, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận giúp đỡ dòng người tị nạn tại các cửa khẩu của họ và nhận lại số người di cư đã bị EU khước từ đơn xin tị nạn, đổi lại là nhiều tỷ USD tiền hỗ trợ từ EU và xúc tiến các cuộc đàm phán về việc nước này gia nhập khối.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra yêu cầu miễn thị thực đối với công dân nước họ trong khu vực thuộc Hiệp ước Tự do đi lại Schengen của châu Âu như một phần thỏa thuận, tuy nhiên bị phía EU yêu cầu ngược lại là phải thực hiện đầy đủ 72 điều kiện nằm trong một danh sách mà họ đưa ra.
Một số trong các điều kiện kể trên hết sức gây tranh cãi, trong đó gồm việc sửa đổi các bộ luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà châu Âu cho rằng cần phải được nới lỏng hơn.
Thỏa thuận hạn chế dòng người di cư giữa Ankara và Eu đã đầy khó khăn trắc trở ngay từ lúc bắt đầu và căng thẳng gia tăng cực độ trong hôm 24/11 khi Nghị viện châu Âu tổ chức một cuộc bỏ phiếu nhằm tạm hoãn các cuộc đàm phán liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối, trong đó chỉ rõ rằng điều mà họ không thể chấp nhận là phản ứng “không cân xứng” mà chính quyền Ankara từng thể hiện sau vụ đảo chính hồi tháng 7 vừa qua.
Cuộc đảo chính thất bại này kéo theo một loạt cuộc thanh trừng diện rộng đối với các phe phái đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó bao gồm nhiều tầng lớp như giáo viên, nhà báo, những người phục vụ chính phủ… vốn có tư tưởng ủng hộ giáo sỹ lưu vong Fethullah Gulen - người mà Ankara cho là kẻ chủ mưu của vụ đảo chính này.
Đối với ông Erdogan, những gì đã xảy ra trong cuộc đảo chính thất bại là điều thể hiện rõ ràng nhất những can thiệp chính trị quân sự len lỏi vào trong hệ thống của mình.
Tổng thống Erdogan cũng nói rằng ông có thể sẽ phục hồi lại hình thức xử tử hình đối với những người tham gia vào vụ đảo chính - điều đã bị giới lập pháp của EU cực lực lên án.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cũng lên tiếng chỉ trích cuộc bỏ phiếu mà EU tổ chức chỉ cách một ngày trước khi ông Erdogan nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ là “một trong số các nhân tố bảo vệ châu Âu”.
“Nếu như người tị nạn được phép đi qua các cửa khẩu, họ sẽ tràn ngập châu Âu, và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn điều đó xảy ra” - ông Yildirim nói.
Vị quan chức trên còn nhấn mạnh rằng một khoảng thời gian ngưng trệ mối quan hệ giữa hai bên sẽ ảnh hưởng tới EU nhiều hơn là ảnh hưởng tới Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tôi thừa nhận rằng việc cắt đứt quan hệ với châu Âu sẽ có hại cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nó sẽ có hại gấp 6 lần đối với châu Âu” - ông Yildirim nói.
Đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tối hậu thư cho EU. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đối tác quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng di cư mà các nước châu Âu đang phải đối mặt.
Biết rõ lợi thế của mình, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần lấy Thỏa thuận di cư giữa hai bên, đạt được vào tháng Ba vừa qua, làm “át chủ bài” để hối thúc châu Âu trao quyền miễn thị thực cho công dân nước này và đẩy nhanh các cuộc đàm phán gia nhập EU.
Về phần mình, EU khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ cần sửa đổi luật chống khủng bố gây tranh cãi và nhiều lần chỉ trích chiến dịch trấn áp mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành trong thời gian qua. Một số nước EU cũng tuyên bố ngừng đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối việc nước này đề xuất khôi phục án tử hình.