Đào tạo tài năng âm nhạc: Chuyên nghiệp hóa để thăng hoa
Mở cửa lĩnh vực đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam ngày nay có thể là một yếu tố quyết định để đổi mới và nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy. Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo “Đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong xu thế hội nhập và phát triển” do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức ngày 25/11, cơ chế và phương pháp đào tạo âm nhạc hiện nay đang bộc lộ sự thiếu chuyên nghiệp.
Đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam vẫn đang vận hành theo “guồng quay” xưa cũ. Ảnh minh họa.
Bất cập đào tạo tài năng
PGS.TS Ngô Văn Thành- nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia VN đánh giá: Hiện chúng ta cũng đã đào tạo được một số ít những tài năng âm nhạc, nhưng thực sự những “sản phẩm” này còn mang nhiều tính tự phát, ngẫu nhiên. Các tài năng âm nhạc Việt Nam vẫn chưa thực sự đạt được những thành tích tốt ở những giải thưởng quốc tế đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp cao.
Trong đó, hệ thống đào tạo với thiết chế và cơ chế bao cấp đã không còn đáp ứng được yêu cầu đào tạo tài năng giai đoạn mới. Cho đến nay, cả nước chỉ còn vài nhạc viện lớn vẫn kiên trì đào tạo tài năng ở một số loại hình nghệ thuật nhất định.
Hầu hết quy mô đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp bị thu hẹp, chỉ còn được duy trì một cách “đối phó” khiến cho chất lượng nguồn nhân lực cũng suy giảm dần. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng rất lúng túng khi bị chi phối bởi cơ chế thị trường, hoặc “bất đắc dĩ” chạy theo cơ chế thị trường, không có cơ chế tự chủ rõ ràng để có thể mạnh dạn xây dựng những khung chương trình theo chuẩn quốc tế.
“Trong phương pháp giảng dạy, chúng ta vẫn áp dụng tư duy dạy học theo kinh nghiệm truyền nghề là chính. Vì vậy, khi đi thi quốc tế, các tay đàn của Việt Nam chúng ta có thể không thua kém về phương pháp kỹ thuật, nhưng vấn đề liên quan quan đến kiến thức âm nhạc, kiến thức xã hội, kiến thức khoa học thì là điều đáng suy nghĩ, trao đổi và nghiên cứu”- ông Thành cho hay.
Đồng quan điểm, dưới góc độ đào tạo nhạc cụ dân tộc, NSND Nguyễn Thị Thanh Tâm cũng nhận định: “Hiện nay, vai trò, sức mạnh của âm nhạc truyền thống đang chịu sức ép và thử thách rất lớn từ trào lưu, những phong cách âm nhạc mới cả từ trong nước lẫn du nhập từ nước ngoài.
Bảo tồn, phát triển được vốn di sản âm nhạc cổ truyền quý báu của dân tộc đòi hỏi một quá trình lâu dài và bền vững cùng nhiều chính sách đồng bộ ở nhiều cấp”. Theo NSND Thanh Tâm, hiện nay nhiều người, nhất là các bạn trẻ không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống.
Bà Tâm đặt vấn đề: Phương thức đào tạo đã đem lại thành công cho Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam trong 60 năm qua có còn phù hợp với thời kỳ hội nhập hiện nay không? Và nếu cần điều chỉnh thì điều chỉnh ở những điểm nào? Cùng với đó chuẩn hóa và thống nhất chương trình, giáo trình và số môn học của người học nhạc cụ truyền thống cũng là vấn đề cần đóng góp ý kiến, thẩm định của nhiều người có nghề và các nhà quản lý văn hóa nhằm đem lại sự thống nhất có tính khả thi cao.
Mở cửa để thành công
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: Hiện nay, có thực trạng là sinh viên học nhiều thứ cao siêu mà không được trang bị những gì xã hội cần, dù học tốt ở trường chưa chắc ra trường đã làm tốt và làm đúng nghề. Internet đang là phương tiện giảng dạy từ xa và tổ chức diễn đàn hữu hiệu.
Một khi thư viện đã được số hóa còn có thể mở ngân hàng dữ liệu online cung cấp văn bản, bản nhạc, âm thanh và hình ảnh âm nhạc cho nhiều đối tượng khác nhau trong và ngoài nước. Việc quảng bá kiến thức âm nhạc chuyên nghiệp qua mạng sẽ góp phần nâng cao dân trí, tức là không giới hạn trong đào tạo chuyên nghiệp, mà còn mở rộng ra cả lĩnh vực giáo dục kiến thức phổ thông.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ được đào tạo ở nước ngoài không trở về đâu phải lỗi của họ. Nếu như trong nước có môi trường tốt cho hoạt động nghề nghệp chắc chắn thu hút họ trở về nhiều hơn. Vấn đề là làm sao để cánh cửa Học viện Âm nhạc luôn rộng mở để hội nhập có thể bắt đầu từ âm nhạc. Và để những tài năng âm nhạc trong nước có nhiều cơ hội thăng hoa, tỏa sáng.