Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự khai mạc Hội nghị cấp cao Pháp ngữ
Sáng 26/11 theo giờ địa phương (chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự và phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16.
Mở đầu bài phát biểu, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi đến Nhà nước và nhân dân Cuba lời chia buồn sâu sắc nhất trước việc lãnh tụ Fidel Castro từ trần.
Chủ tịch nước đánh giá cao công tác tổ chức hội nghị của nước chủ nhà Madagascar, cảm ơn đất nước Madagascar đã luôn dành cho Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, những tình cảm hữu nghị đặc biệt.
Đề cập đến tình hình thế giới và không gian Pháp ngữ, Chủ tịch nước nhấn mạnh cộng đồng các nước Pháp ngữ đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là LHQ, Liên minh châu Phi, tăng cường các hoạt động ngăn ngừa, giải quyết nhiều cuộc xung đột, khủng hoảng, bất ổn chính trị và chống khủng bố ở một số nước thành viên trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, góp phần tích cực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định của cộng đồng Pháp ngữ và trên thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ Việt Nam hoan nghênh cộng đồng Pháp ngữ đã nỗ lực thúc đẩy đa dạng ngôn ngữ, văn hóa, bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên với các nước trên thế giới. Việt Nam vui mừng trước việc Cộng đồng Pháp ngữ đã có những đóng góp tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để đạt được các thỏa thuận toàn cầu quan trọng, nhất là Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Kế hoạch hành động Adis Abeba về tài chính cho phát triển...., thể hiện quyết tâm cao của cộng đồng quốc tế, các nước Pháp ngữ, xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam đã chủ động tham gia vào việc triển khai các chiến lược, chương trình hợp tác của Cộng đồng, đóng góp quan trọng vào việc củng cố tình đoàn kết và sự thống nhất nội khối, mở rộng hợp tác giữa các nước thành viên, qua đó góp phần vào sự thịnh vượng chung. Việt Nam hoan nghênh chủ đề của Hội nghị lần này là “Tăng trưởng đồng đều và phát triển có trách nhiệm: Những điều kiện bảo đảm ổn định trên thế giới và trong không gian Pháp ngữ”...
Để cụ thể hóa chủ đề của Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Cộng đồng Pháp ngữ ưu tiên thúc đẩy hợp tác, tăng cường đoàn kết vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Cộng đồng Pháp ngữ cần tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, triển khai hiệu quả Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ, ưu tiên thúc đẩy kết nối các nền kinh tế đang phát triển và hỗ trợ các nước này hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm xây dựng một trật tự thế giới mới công bằng, bình đẳng hơn; thúc đẩy các mô hình kinh tế dựa trên tăng trưởng bao trùm và đồng đều, tận dụng hiệu quả những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, tạo ra nhiều việc làm, giảm bất bình đẳng, chú trọng phát huy vai trò của phụ nữ và thanh niên...
Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh những nội dung liên quan trong dự thảo Tuyên bố Hội nghị, thể hiện cam kết mạnh mẽ của chúng ta trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ, hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên. Chủ tịch nước khẳng định, với những mô hình hợp tác thành công, có trách nhiệm xã hội và vì lợi ích cộng đồng mà các doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng tại một số nước Pháp ngữ trong nông nghiệp, thông tin-viễn thông, thủy điện..., Việt Nam chủ trương và sẵn sàng làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế với các nước Pháp ngữ; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế-xã hội với các nước thành viên, nhất là các nước châu Phi.
Các nhà lãnh đạo cộng đồng Pháp ngữ dự Hội nghị.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục có tiếng nói khách quan về tình hình Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, trong thế giới đầy biến động ngày nay, không một quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, có thể đơn phương đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Để giải quyết những thách thức này cần có sự đoàn kết thống nhất, hợp tác chặt chẽ giữa các nước Pháp ngữ và cả cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẵn sàng là cầu nối của cộng đồng Pháp ngữ với cộng đồng ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương để cùng chung sức, đồng lòng vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.