Nếp sống văn hóa
An toàn thực phẩm chưa bao giờ hết nóng, nhất là những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương đã có nhiều giải pháp để ngăn ngừa việc sản xuất và tiêu thụ thực phẩm “bẩn”, thế nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề là rất khó.
Một khu vực sản xuất rau an toàn.
Với vị thế, vai trò và trách nhiệm của mình Mặt trận các cấp đang rất nỗ lực tham gia giám sát an toàn thực phẩm với những cách làm rất sáng tạo, trong đó tập trung mạnh vào khâu tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất, để người dân hiểu được rằng, một gia đình văn hóa thì nhất định không thể sản xuất, tiêu dùng hay đồng lõa với thực phẩm bẩn.
Điển hình như tại Đà Nẵng, tất cả các quận huyện trên địa bàn thành phố đã ban hành Chương trình phối hợp giữa UBND với UBMTTQ về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cán bộ Mặt trận biết đây là việc khó nhưng thiết thực, sát với đời sống nhân dân nên họ đã nỗ lực hết mình.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động để mỗi người dân cùng vào cuộc.
Trước hết nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành nếp sống văn hóa: Nông dân Đà Nẵng là người sản xuất thực phẩm an toàn.
Là người gần dân, hiểu dân, cán bộ Mặt trận các cấp, đặc biệt là Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư luôn là người chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, vận động các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Cùng với MTTQ, các tổ chức thành viên như Hội Phụ nữ, Cựu Chiến binh, Hội Nông dân…cũng vận động các gia đình đoàn viên, hội viên gương mẫu cam kết thực hiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Nếu phát hiện hộ gia đình nào sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn thì mạnh dạn kịp thời tố giác, đồng thời đề nghị không xét công nhận gia đình văn hóa.
Cùng với Đà Nẵng, với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua MTTQ nhiều địa phương đã phối hợp với các sở ngành liên quan, các tổ chức thành viên đã tích cực, chủ động tập trung tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về đảm bảo VSATTP. Có chương trình phối hợp hành động giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên để triển khai các hoạt động một cách cụ thể.
Trên cơ sở MTTQ là cơ quan chủ trì phối hợp, các tổ chức thành viên, các cơ quan chức năng chủ động xây dựng kế hoạch, lực lượng theo kế hoạch đặt ra, mỗi một đoàn thể sẽ vận động đoàn viên, hội viên của mình nêu cao ý thức trách nhiệm không sản xuất những thực phẩm không an toàn.
Đây là sự vào cuộc rất quyết liệt của MTTQ với mong muốn hình thành một nếp sống văn hóa trong việc sản xuất, tiêu thụ cũng như sử dụng sản phẩm an toàn để vừa bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cho cả cộng đồng.