Những hệ lụy từ ô nhiễm môi trường
Thời gian gần đây Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.
Hàng trăm đô thị chịu tác động của biến đổi khí hậu?
Có khoảng 300 đô thị ven biển của Việt Nam sẽ chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường…
Khoảng 150 đô thị ở miền núi chịu ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét, hạn hán… Đó là những thông tin được đưa ra tại cuộc Hội thảo Quốc gia với chủ đề “Tạo tính bền vững về khả năng chống chịu cho các đô thị Việt Nam - Bài học 7 năm thực hiện chương trình ACCCRN” vừa tổ chức tại Hà Nội.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết: Việt Nam có khoảng 800 đô thị, thì có tới khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của BĐKH, như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường…
Có khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Cục Phát triển Đô thị đã trình Chính phủ Đề án phát triển đô thị ứng phó với BĐKH và đã được Chính phủ phê duyệt vào năm 2013.
Đề án này trước hết ưu tiên với 5 đô thị trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… là những nơi chịu sự tác động nhiều chiều của BĐKH. Đồng thời, khu vực này cũng là trọng tâm để giữ cán cân kinh tế, đơn vị đầu tàu trong vấn đề đô thị hóa.
Việt Nam hiện là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước các tác động của BĐKH. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, TP Cần Thơ là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH như tình trạng ngập lụt, sạt lở đất,…
Do đó, vấn đề xây dựng đô thị ứng phó với BĐKH được cả hệ thống chính trị địa phương quan tâm. Hiện Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch 5 năm (2010-2015) về việc tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân biết về thách thức của BĐKH tác động đến con người như thế nào.
Nói về khó khăn, thách thức của Đề án phát triển đô thị Việt Nam gắn với ứng phó BĐKH, ông Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho hay: BĐKH luôn, khó dự đoán, trong khi đó nhiều đô thị tại Việt Nam đã được hình thành từ trước đó, không thể thay đổi. Do đó, các giải pháp đưa ra để ứng phó với BĐKH tại các đô thị này chỉ là các giải pháp bổ sung.
Nghệ An: Người dân kêu cứu vì bãi rác
Hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) đang tồn tại nhiều bãi rác quá tải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân hết sức bức xúc trong khi các cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng, bế tắc.
Theo phản ánh của nhiều người dân thuộc thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, họ đã phải sống chung với rác thải Rú Dài hàng chục năm nay.
Những ngôi mộ đang bị những đống rác khổng lồ lấn chiếm, những người đang sống thì “đi không được, ở không xong” khi hàng ngày phải sống chung với rác.
Cũng theo người dân nơi đây, họ đã phản ánh lên chính quyền nhiều lần để có biện pháp di dời, xử lý ô nhiễm nhưng mãi vẫn không có chuyển biến.
Ngay sát bãi rác là nghĩa trang của khu vực, nay rác thải bao quanh trùm lên cả ngôi mộ của những người đã khuất. Được biết, bãi rác này nằm ở khối 2, thị trấn Dùng, cách UBND huyện Thanh Chương khoảng chừng hơn 1km, đủ thứ rác đều được tập trung về đây.
Qua tìm hiểu được biết, bãi rác được xây dựng từ năm 2002 còn nghĩa trang này có trước khi quy hoạch bãi rác, khi đó khu dân cư thưa thớt, bây giờ dân đến ở đông hơn.
Chính quyền thị trấn Dùng hàng năm cũng đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thu gom, xử lý và thuê hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Vinh để vận chuyển rác, nhưng do lượng rác thải nhiều nên xử lý không xuể.
Trước thực trạng trên huyện Thanh Chương cũng đã có chủ trương di dời bãi rác này vào khu vực Rú Voi, xã Thanh Ngọc, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì.
Cũng giống bãi rác Rú Dài, nhiều năm qua, người dân cạnh nghĩa địa Cồn Lim (xóm 3, xã Thanh Lương) phải “sống chung” với bãi rác khổng lồ.
Hàng nghìn ngôi mộ án ngữ ngay sát khu dân cư cũng như lượng rác được đổ ngày càng nhiều khiến cho cuộc sống của người dân quanh đây như bị đảo lộn vì ô nhiễm môi trường.
Nghĩa trang Cồn Lim có tổng diện tích khoảng trên 2ha, thuộc xóm 3 xã Thanh Lương. Xóm này hiện có 196 hộ dân sinh sống với 768 nhân khẩu.
Hiện nay, do rác thải ngập ngụa cùng với hàng nghìn ngôi mộ tồn tại khiến cho nước dòng kênh đen ngòm, ô nhiễm nặng và bốc mùi rất khó chịu.
Ông Lê Đình Thanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết: “Bãi rác tại Thanh Lương bị ô nhiễm trầm trọng là điều có thật. Mới vừa rồi trong cuộc họp thẩm định Nông thôn mới với xã, chúng tôi đã yêu cầu xử lý triệt để. Còn bãi rác thị trấn Dùng đang có dự án để di dời đến địa điểm đã được quy hoạch”.
Quảng Ngãi: Phát triển “nóng" đe dọa môi trường
Với Khu kinh tế Dung Quất làm động lực, mấy năm gần đây lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi đang phát triển “nóng” khi nhiều dự án lớn đầu tư vào các KCN, CCN trên địa bàn. Tuy nhiên, sự tuân thủ nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường của nhiều nhà đầu tư còn thả lỏng…
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, đến giữa tháng 11/2016, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có một khu kinh tế, 3 KCN, 11 CCN, 22 làng nghề và hơn 3.000 DN hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trung bình mỗi ngày thải ra môi trường hàng triệu mét khối nước thải. Gần đây nhất, trước việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài của Nhà máy Chế biến thủy sản Hoàng Rin, tại KCN Quảng Phú UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của DN này.
Hay tại KCN Tịnh Phong, Công ty TNHH V.Q xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, cũng đang được kiểm tra xử lý. Ô nhiễm nghiêm trọng nhất khiến người dân liên tục kêu cứu là tại CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây (TP Quảng Ngãi). Được biết, CCN này có 13 cơ sở đang hoạt động với các ngành nghề chế biến nước mắm, sản xuất giấy, sản xuất bột mì, nhựa...
Tuy các cơ sở này đều có hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường, nhưng thực tế chỉ có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ rồi thải ra suối cầu Kênh.
Trước thực trạng đó, bên cạnh việc xử lý kiên quyết các DN vi phạm về môi trường, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng quyết định đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây, công suất 500 m3/ngày đêm, với tổng mức đầu tư 15,5 tỷ đồng. Đồng thời đầu tư khu xử lý nước thải tập trung tại KCN Tịnh Phong, với kinh phí 47 tỷ đồng.
Thực tế về ô nhiễm môi trường tại Quảng Ngãi do phát triển “nóng”, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh thu hút đẩy mạnh phát triển công nghiệp phải chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải đồng bộ ở các KCN, CCN.
Việc quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, không những giải quyết được bài toán môi trường, còn đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan, nâng chất lượng cuộc sống…
Khai thác khoáng sản hay tàn phá môi trường?
Những năm gần đây, các tỉnh miền núi Quảng Nam liên tục tái diễn nạn tận thu khoáng sản trái phép. Nhiều “điểm nóng” quen thuộc như khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, Phước Sơn, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh...
Ngoài các điểm mỏ nhỏ lẻ, người ta vẫn ngang nhiên tấn công đến sát địa bàn thuộc quyền quản lý, khai thác của doanh nghiệp. Các đơn vị hết giấy phép hoạt động cũng tranh thủ vơ vét tài nguyên.
Mới đây, trên địa bàn các xã Phước Hiệp, Phước Thành (Phước Sơn), lực lượng chức năng đã phát hiện có ít nhất 5 doanh nghiệp đã hết thời gian tổ chức khai thác vẫn tổ chức cho công nhân khai thác vàng trái phép.
Được biết, cơ quan có thẩm quyền chỉ cho phép thăm dò, chưa cấp phép mới cho những đơn vị này.
Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, hầu hết doanh nghiệp khai khoáng đều kết hợp thăm dò với khai thác.
Trong khi đó, dù chính quyền tỉnh Quảng Trị thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp khai thác titan nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vùng cát bãi ngang của tỉnh này đã trở thành những hoang mạc nham nhở.
Trên vùng cát ven biển của 2 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh với hàng trăm ha rừng phòng hộ lâu năm đã bị đốn hạ, trơ lại toàn gốc cây khô quắt chổng ngược lên trời và ngàn vạn hồ nước sâu hoắm.
Con đê chắn cát ven biển của thôn Tân Thuận vốn tồn tại qua hàng trăm năm với những cánh rừng phi lao cắm rễ vào cát, giờ trở thành một bãi cát nham nhở.
Và cơn sốt đào, đãi vàng ở huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi) dường như chưa bao giờ có hồi kết. Bắt đầu rộ lên từ năm 2007, suốt gần 10 năm qua, dù cơ quan chức năng Quảng Ngãi nhiều lần truy quét, đẩy đuổi thế nhưng đến nay vẫn chưa dẹp dứt điểm.
Cả huyện vùng cao rộng hàng chục hecta bị đào bới nham nhở như chiến địa, đất đai xói lở, cây rừng khô khốc dưới nắng chói chang. Ở lưng đồi, các ngách đào ăn sát vào chân đường dẫn vào mỏ, để lộ ra các mảng đất đá dốc đứng sựng.
Bên dưới, dòng nước đỏ ngầu từ các máng tuyển quặng xuôi theo triền dốc nhập vào con mương lớn trước khi chảy vào các hồ lớn.
Hiện theo báo cáo về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản của các tỉnh miền Trung, dù đã nỗ lực thu thuế tài nguyên, nhưng do còn nhiều bất cập trong công tác quản lý như đánh giá chưa đúng, chưa đủ, thiếu khách quan về trữ lượng, dẫn đến có nhiều lỗ hổng trong quản lý khai thác khoáng sản.
Trong khi đó, Nhà nước chưa đủ công cụ để quản lý khai thác khoáng sản, nên việc quản lý hiện chủ yếu chỉ dựa vào báo cáo của các doanh nghiệp và đánh thuế trên bản báo cáo tự nguyện đó.
Như vậy, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp có thể khai nhiều hoặc ít theo tính toán có lợi nhất cho mình. Mặt khác, việc đánh giá trữ lượng khoáng sản cũng được giao cho các doanh nghiệp đảm nhiệm, UBND các tỉnh, thành ở miền Trung quyết định về trữ lượng khoáng sản trước khi cấp phép thì cũng dựa vào báo cáo của doanh nghiệp để đưa ra quyết định. Vì thế, khả năng báo cáo đưa ra trữ lượng thấp hơn trữ lượng thật khi khai thác là điều khó tránh khỏi.