ALOV-gắn kết người Việt xa xứ
“Ngoài đội ngũ 400.000 trí thức, các nhà khoa học Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, các cơ chế chính sách cần quan tâm hơn nữa đến các sinh viên, học sinh từ trong nước đi du học tại các nước phát triển, đây là lực lượng trí thức trẻ sẽ góp phần cống hiến xây dựng đất nước ổn định, lâu dài” - Đó là nhận định của lãnh đạo Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng lần thứ 4, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Đóng góp lượng kiều hối lớn
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch ALOV cho biết, thời gian qua, Hội đã là cầu nối gắn kết, thắt chặt quan hệ giữa bà con Việt kiều ở các nước với các hội địa phương.
“Hội đã tăng cường các cuộc tiếp xúc với cá nhân, tổ chức kiều bào, thông báo chủ trương đường lối của Đảng và luật pháp của Nhà nước đến kiều bào, nhằm xây dựng Hội trở thành một địa chỉ tin cậy của đông đảo bà con kiều bào; củng cố vai trò của Hội với tư cách là cầu nối giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài và đồng bào ở trong nước qua các cuộc tiếp xúc và trao đổi với kiều bào là trí thức, doanh nhân, du học sinh… từ các quốc gia” – ông Bình nhấn mạnh.
Về hoạt động của Hội trong năm 2016, Chủ tịch ALOV cho biết, Hội luôn chủ động làm công tác thông tin, tuyên truyền, giúp bà con ở nước ngoài nắm được tình hình đổi mới ở trong nước, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Hội đã chủ động, tích cực tham gia ý kiến xây dựng pháp luật, chính sách theo hướng bảo vệ và tăng thêm quyền của người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như các văn bản dưới luật theo hướng tạo điều kiện thoáng hơn, ngày càng thuận lợi cho đồng bào ta ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, coi đồng bào ta ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc.
Theo bà Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội Liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh, với đông đảo kiều bào tập trung ở TP Hồ Chí Minh, đội ngũ kiều bào của thành phố đã đóng góp không nhỏ sức tài, vật chất vào xây dựng đất nước.
“Trung bình mỗi năm, riêng kiều bào của TP Hồ Chí Minh đã đóng góp hơn 5 tỷ USD kiều hối về trong nước. Trong những năm qua, nhiều trí thức kiều bào, nhà khoa học đã gắn bó với thành phố, thường xuyên về nước để cùng hợp tác phát triển các ngành y tế, công nghiệp ở trong nước” – bà Vân cho hay.
Tương tự, các ALOV địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã tích cực trở thành cầu nối giữa bà con kiều bào ở nước ngoài với trong nước, góp phần thắp sáng ngọn lửa yêu nước, yêu quê hương của những người con xa xứ.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cương, Chủ tịch ALOV Hải Phòng cho hay, với tinh thần yêu quê hương, đất nước, kiều bào và thân nhân Hải Phòng thời gian qua đã tích cực tham gia vào các hoạt động đóng góp xây dựng thành phố Hải Phòng nói riêng, góp phần xây dựng phát triển đất nước nói chung.
Theo ông Cương, hiện có khoảng 30 dự án đầu tư của Kiều bào tại Hải Phòng đang thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD. Ngoài ra còn có hàng trăm doanh nghiệp, hộ kinh doanh của thân nhân đã tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm và đóng góp có hiệu quả vào ngân sách hàng năm cho thành phố. Ông Cương cho biết thêm, hàng chục tỷ đồng đã được bà con kiều bào Hải Phòng gửi về để làm công tác từ thiện, giúp đỡ người nghèo trong những năm qua, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Quan tâm hơn nữa đến đội ngũ trí thức trẻ
Đánh giá chung về hoạt động của ALOV, ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội cho rằng, bên cạnh những thành quả đã đạt được, vẫn còn một số những thiếu sót, tồn tại, như việc phát triển về số lượng và chất lượng của hội viên chưa đạt được kỳ vọng.
Mặc dù đã thu hút được nhiều trí thức gồm những văn nghệ sỹ, nhà khoa học có tên tuổi, các doanh nhân và cả các thanh niên, sinh viên nhưng thật sự chưa có cơ chế thích hợp và hiệu quả để phát huy được sự tham gia của lực lượng trên.
Ban Thư ký cũng chưa thật chủ động trong vai trò điều phối, thúc đẩy hoạt động của các Ban cũng như của Hội nói chung. Việc phát triển các hội viên danh dự là kiều bào cũng còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, các ban chuyên môn hoạt động chưa thật mạnh, chưa có những kế hoạch, đề án, dự án theo từng thời kỳ. Chưa chủ động trong việc thâm nhập, hợp tác với các lực lượng trong nước, cũng như các cá nhân, tổ chức ngoài nước để xây dựng kế hoạch hoạt động của mình.
Thời gian tới, để Hội làm tốt vai trò là một cầu nối vững chắc giữa người dân trong nước với kiều bào ta ở nước ngoài, ALOV cho rằng, Nhà nước cần sớm có cơ chế chính sách tổ chức tốt hơn nữa các cấp Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Hội người Việt Nam tại các nước để thu hút và tập hợp rộng rãi trên 4,5 triệu kiều bào và hàng triệu thân nhân trong nước.
Đặc biệt, theo Chủ tịch ALOV, lâu nay, chúng ta mới chỉ quan tâm vận động đội ngũ 400.000 trí thức, các nhà khoa học Việt Nam đang định cư tại nước ngoài nhưng chưa quan tâm đúng mức đến hàng trăm ngàn trí thức mới là những sinh viên,học sinh từ trong nước du học tại các nước phát triển.
Theo ông Bình, đây là lực lượng trí thức trẻ, được đào tạo tốt, lại hiểu và gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước, họ luôn mong muốn có việc làm phù hợp, ổn định và cống hiến lâu dài trong nước.
Bởi vậy, lãnh đạo ALOV kiến nghị, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ tới nguồn nhân lực này, hỗ trợ đội ngũ này trong suốt thời gian du học cũng như tập hợp và giới thiệu việc làm để tận dụng tri thức của người trẻ về nước sau du học, đồng thời có cơ chế giữ liên hệ thường xuyên với những người ở lại làm việc tại các nước, khuyến khích họ quan tâm và đóng góp xây dựng đất nước.
Cũng theo đề xuất của ALOV, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng, mở rộng mạng lưới hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, các hội thân nhân kiều bào ở các địa phương có đông kiều bào để công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài thiết thực và có hiệu quả.