Phục hồi thị trường nội địa để tăng trưởng

Việt Thắng (thực hiện) 28/11/2016 09:15

Nhiều khả năng Mỹ sẽ không thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Vậy TPP tác động đến nền kinh tế của nước ta như thế nào? Làm sao để đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2017 ở mức 6,7% như Nghị quyết Quốc hội đã thông qua. Trao đổi với ĐĐK, PGS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân cho rằng: Việc không tham gia TPP không phải là rào cản quá lớn, bởi tăng trưởng kinh tế phải dựa vào các thế mạnh nội tại của

Ông Hoàng Văn Cường.

PV: Thưa ông, sau khi bầu cử Tổng thống Mỹ, nhiều khả năng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ không có nhiều cơ hội được thông qua. Vậy theo ông chúng ta cần những giải pháp nào để nền kinh tế thực hiện được mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7%?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Việt Nam phải dựa vào các thế mạnh nội tại của nền kinh tế là chính.

Trước hết, chúng ta phải phát triển những ngành có thế mạnh đặc thù như nông nghiệp, dịch vụ và du lịch, những sản phẩm và thị trường xuất khẩu truyền thống cũng như những sản phẩm và thị trường mới không phụ thuộc vào TPP.

Thứ hai, chúng ta phải chú trọng phát triển hơn nữa các hoạt động dịch vụ cho thị trường nội địa, vì thị trường của ta có hơn 90 triệu dân. Năm 2016 tốc độ tăng trưởng của dịch vụ khá cao đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung. Đặc biệt chúng ta có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch, bao gồm cả nhu cầu du lịch khách trong nước và thu hút khách quốc tế đang tăng trưởng mạnh. Nếu như tiếp tục đà tăng trưởng này và đẩy mạnh thêm thì tăng trưởng của khu vực dịch vụ sẽ đóng góp phần rất lớn cho tăng trưởng vững chắc kinh tế 2017.

Thứ ba, với quyết tâm của Chính phủ xây dựng Chính phủ kiến tạo và hướng vào cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân nên các doanh nghiệp mới thành lập và các doanh nghiệp hoạt động trở lại đang tăng nhanh sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 2017 một cách ổn định, không phụ thuộc vào đầu tư hay thị trường bên ngoài.

Thứ tư, chúng ta có tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin phát triển, dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường trong nước và xuất khẩu nhiều sản phẩm ra các nước. Việc phát triển ngành này và xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin hoàn toàn không phụ thuộc vào TPP.

Như vậy nếu có TPP sẽ thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế tốt hơn, mở rộng thêm các cơ hội phát triển mới, nhưng nếu không có TPP thì tất cả những cái gì thuộc về truyền thống phát triển của mình trong nhiều năm qua thì năm 2017 vẫn tiếp tục đang có vị thế, chỗ đứng và đang phát triển ổn định.

Ông nghĩ sao khi việc không tham gia TPP chỉ là khó khăn trước mắt, nhưng đó cũng là điều kiện để ta vượt qua khó khăn để tạo ra cú hích lớn bởi vì bản thân sức mạnh phải từ nội tại của nền kinh tế chứ không đơn thuần từ các hiệp định kinh tế đem lại?

Nếu không có TPP có thể khả năng để tạo ra đột phá là chưa có, nhưng những yếu tố nội tại mà trước đây đang còn là tiềm tàng bây giờ phải thúc đẩy cho phát triển để tạo ra động lực mới. Tất nhiên có TPP việc mở rộng thị trường sẽ tốt hơn, các nhà đầu tư nước ngoài có thể vào nhiều hơn và giao lưu thương mại rộng mở sẽ tạo ra thế mạnh, khai thác thế mạnh tốt hơn. Không có TPP thì nền kinh tế vẫn tiếp tục đà đi lên như vốn dĩ TPP chưa có, nó không phải là rào cản làm cho nền kinh tế của mình bị ảnh hưởng lớn, đó không phải là yếu tố tác động quá nhiều làm cho thay đổi đột biến, không phải là cú sốc của tăng trưởng trong năm 2017.

Để đảm bảo kinh tế được tăng trưởng thì việc đáng lưu tâm lúc này là mọi giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, thưa ông?

Rõ ràng mục tiêu của Chính phủ bây giờ là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và chất lượng tăng trưởng là số một chứ không phải tốc độ tăng trưởng nhanh. Do mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cho nên động lực phát triển kinh tế năm 2017 là không dùng vốn đầu tư để tạo động lực phát triển mới mà vốn đầu tư chủ yếu là để dành cho giải quyết những tồn đọng là hậu quả của đầu tư tràn lan trong nhiều năm qua để lại.

Thưa ông, nếu như vậy thì nền kinh tế phát triển theo chiều sâu và rộng do đó cần nhiều khoa học kỹ thuật. Vậy chúng ta có cần thêm những chính sách thu hút đầu tư một cách thông thoáng?

- Chính sách thu hút đầu tư vẫn đang được chú trọng và mở rộng, nhưng có điều trong chính sách thu hút đầu tư của ta không như trước kia là thu hút bằng mọi giá để có được nguồn đầu tư lớn để tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh. Bây giờ thu hút đầu tư phải chú trọng vào những lĩnh vực nào để tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý, đồng thời thu hút cũng dựa trên các yếu tố kỹ thuật cao, công nghệ cao để tạo tiền đề cho phát triển bền vững chứ không thu hút bằng mọi giá.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Thắng (thực hiện)