Cần thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp
“Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế cần thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường, xuất phát từ nhu cầu và yêu cầu thị trường mà tổ chức lại sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân và đất nước”.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo.
Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại Hội thảo Khoa học - thực tiễn “Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thời kỳ hội nhập” do Hội Nông dân Việt Nam và Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 28/11.
Dự Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn cùng đại diện các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương.
Quang cảnh hội thảo.
Tổ chức lại sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất
Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chủ trương này đã trực tiếp mang lại lợi ích cho người nông dân và họ giữ vai trò chủ thể trong quá trình thực hiện.
Vai trò, vị thế của giai cấp nông dân và người nông dân ngày càng khẳng định trong quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, những thành tựu, kết quả đạt được chưa tưng xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa thực sự đồng đều giữa các vùng, miền trong cả nước.
Bởi vậy, phát huy vai trò của nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới là vấn đề rất lớn cần đến vai trò Nhà nước trong kiến tạo các cơ chế, chính sách đột phá, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong tạo lập mô hình chuỗi giá trị mà người nông dân được tham gia với tư cách là đối tác bình đẳng, có tư cách đàm phán và được hưởng lợi xứng đáng đối với giá trị gia tăng mang lại.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ ý kiến tại hội thảo.
Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, muốn hoàn thành nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp cần thay đổi nhận thức của toàn xã hội về nông nghiệp Việt Nam.
Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế cần thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường, xuất phát từ nhu cầu và yêu cầu thị trường mà tổ chức lại sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân và đất nước.
“Cần làm rõ sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, chi phí và chất lượng sản phẩm ra sao, thị trường mục tiêu là ở đâu?. Làm rõ sản phẩm chủ lực của quốc gia, từng vùng và địa phương có sức cạnh tranh cao, nhu cầu thị trường đủ lớn” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hộ nông dân không liên kết vẫn có thể mua trực tiếp các nguyên liệu đầu vào nhưng số lượng ít và không đảm bảo được chất lượng, không đàm phán được giá mua. Cùng với đó, việc bán sản phẩm cho tư thương số lượng ít, không thương hiệu, bị ép giá, ép chất lượng.
Vì thế, hộ nông dân bị lép vế, không có năng lực đàm phán trên cả 2 thị trường đầu vào, đầu ra. Năng suất của hộ nông dân có thể rất cao, song thu nhập vẫn rất thấp vì bị ép giá ở cả 2 đầu.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân hiện có 5 loại hình liên kết sản xuất trong kinh tế thị trường của Việt Nam gồm: Hộ cá thể không liên kết; Hộ làm thuê cho DN; Hộ liên kết qua HTX; Hộ liên kết qua HTX và Liên hiệp HTX; Hộ liên kết qua HTX và DN.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, HTX có sức mạnh kinh tế để đàm phán mua đầu vào, bán đầu ra có lợi cho hộ nông dân xã viên của HTX. HTX có thế mạnh như nghiên cứu thị trường, quyết định sản xuất cái gì, bao nhiêu, sản xuất như thế nào, hợp đồng bán đầu vào, mua đầu ra của các hộ nông dân, cung cấp các đầu vào giá thấp hơn thị trường bán lẻ, kiểm soát được chất lượng đầu vào…
HTX tiêu thụ sản phẩm của các hộ vì có khả năng đàm phán cao với qui mô lớn, chất lượng đồng nhất, kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, HTX cũng góp phần hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật mới, giám sát tuân thủ các yêu cầu chất lượng, lập quỹ dự phòng rủi ro của HTX để hỗ trợ nông dân khi gặp rủi ro.
HTX xây dựng thương hiệu, lựa chọn đối tác tiêu thụ sản phẩm, có thể xây dựng các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm riêng, nhà kho dùng chung cho các xã viên.
“Việc nông dân liên kết qua HTX là mô hình cơ bản nhất để đảm bảo quyền lợi, quyền làm chủ của nông dân, từ đó làm cơ sở để liên kết sản xuất ở mức độ cao hơn, có lợi cho nông dân hơn qua liên kết thành lập Liên hiệp HTX hoặc liên kết với các doanh nghiệp. Thông qua phương thức sản xuất HTX và Liên hiệp HTX, vị thế của người nông dân trong đàm phán mua bán trên thị trường được thay đổi căn bản, là tiền đề để phân phối lại giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất nông nghiệp”, Người đứng đầu MTTQ Việt Nam gợi mở.
Để phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thời kỳ hội nhập theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, cần khẳng định vai trò của Liên minh HTX trong việc hỗ trợ thành lập các HTX mới; Hỗ trợ đào tạo cán bộ HTX, phổ biến các điển hình HTX làm tốt; Hỗ trợ thành lập các Liên hiệp HTX; Kiểm toán các HTX, tư vấn sản xuất - kinh doanh.
Đặc biệt là vai trò của Liên minh HTX trong việc hỗ trợ khai thác các chính sách phát triển nông nghiệp của nhà nước về vốn, KHCN, đào tạo, tiếp thị. Kiến nghị xây dựng luật pháp, chính sách và giám sát thực hiện chính sách về sản xuất của nông dân.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, cần phát huy vai trò chủ thể của nông dân và giai cấp nông dân trong đó chủ thể về chính trị và kinh tế là Hội Nông dân Việt Nam. Chủ thể về kinh tế và chính trị qua phương thức sản xuất HTX, Liên hiệp HTX và vai trò của Liên minh HTX.
“Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh HTX Việt Nam để nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đem lại lợi ích tốt hơn cho người nông dân và đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Phát huy vai trò của nông dân trong tái cơ cấu nông nghiệp
Tại hội thảo nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phát huy vai trò của khoa học để hiện đại hóa nông nghiệp, mở mang văn hóa cho nông thôn, ứng dụng thành tựu khoa học và nông nghiệp để mang lại giá trị cao hơn.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu tại hội thảo.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, tái cơ cấu nông nghiệp bao gồm từ tái cơ cấu chính sách đất đai theo hướng thúc đẩy tích tụ và tập trung.
Tái cơ cấu hình thức tổ chức sản xuất từ hộ gia đình tiểu nông manh mún sang liên kết kinh tế trong đó phổ biến là phát triển các tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp nông nghiệp.
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải bắt nguồn từ tái cơ cấu nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp mà cốt lõi là thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này dưới các hình thức đối tác công tư, liên doanh liên kết.
Bên cạnh đó là tái cơ cấu các định chế trung gian đảm bảo nâng cao hiệu quả ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tái cơ cấu hoạt động bảo quản, chế biến, đăng ký xuất xứ hàng hóa, tổ chức mạng lưới phân phối để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân.
Cũng theo ông Lại Xuân Môn, việc phát huy vai trò của nông dân trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là vấn đề rất lớn cần đến vai trò của Nhà nước trong kiến tạo các cơ chế, chính sách đột phá, vai trò của doanh nghiệp trong tạo lập mô hình chuỗi giá trị mà người nông dân được tham gia với tư cách là đối tác bình đẳng, có tư cách đàm phán và được hưởng lợi xứng đáng với giá trị gia tăng mang lại.
Đặc biệt là vai trò của tổ hợp tác, HTX trong tạo ra sức mạnh liên kết giữa các hộ gia đình để ứng phó với bất lợi của thị trường trường.
Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trực tiếp là Hội nông dân làm bà đỡ cho nông dân phát triển bền vững, chống chịu tốt hơn với các rủi ro, khó khăn, thách thức và cao hơn là làm chủ chính mình, làm chủ các mối quan hệ phức tạp trong kinh tế thị trường.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ khẳng định, việc tái cơ cấu nông nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân.
Việc phát triển nông nghiệp nông thôn trước tiên cần tổ chức lại sản xuất từ hộ nông dân nhỏ lẻ sang hợp tác liên kết thị trường qua việc phát huy thế mạnh của từng sản phẩm nông nghiệp ở mỗi vùng miền để nó trở thành việc làm thực sự của người nông dân.
Theo ông Ngọ, cần phải tiến hành cụ thể hóa nghị quyết bằng chính sách cụ thể, mô hình, thực tế để người dân biết, dân bàn, dân thực hiện.
Làm cho nông dân hiểu được thế nào là nông thôn mới đưa ra được cẩm nang nông thôn mới để giao cho từng đoàn thể, từng xã thực hiện.
Cả hệ thống chính trị phải tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới chứ không phải toàn dân tham gia hợp sức “hờ”.
Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Hội nông dân phải đóng được vai trò không chỉ là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước mà còn đại diện cho nông dân các chính sách quan trọng như đất đai, nước, xây dựng công trình lớn, tạo môi trường, việc làm.
Ngoài ra, Hội nông dân còn đóng vai trò đại diện cho nông dân để lựa chọn đề tài nghiên cứu, chương trình khuyến nông, đánh giá chương trình đó, có định hướng đúng đắn.
Hội nông dân phải có tác động phản biện chính sách, tác động chính sách đó đến nhóm bà con nông dân.