Chỉ có 3% người lao động dân tộc thiểu số được đào tạo nghề

Lan Hương 29/11/2016 14:37

Hiện chỉ có khoảng 3% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa cao và chưa hiệu quả…” Đây là nội dung được thảo luận trong hội thảo “Công bố báo cáo nghiên cứu và tham vấn khung hướng dẫn đào tạo nghề cho lao động nông thôn” do Tổ chức Oxfam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng nay (29/11), tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo.

Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã dành hơn 1 nghìn tỷ đồng/năm cho việc triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 (còn gọi là Đề án 1956). Việc triển khai Đề án này tại các địa phương đã đạt được những kết quả khả quan như cải thiện sinh kế, tăng năng suất, thu nhập; lồng ghép đào tạo nghề với xây dựng mô hình, vay vốn, phát triển tổ nhóm…

Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề chỉ chiếm 3% sô với tổng số lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động; Một số nơi hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, đào tạo nghề còn dàn trải, chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động, chưa thu hút được sự quan tâm của người nghèo.

Mục tiêu của Đề án 1956 trong giai đoạn 2011- 2015 là “tối thiểu 70% lao động sau học nghề có việc làm”. Với mục tiêu này tại các tỉnh được khảo sát hầu hết đều báo cáo đạt và vượt chỉ tiêu 70% lao động có việc làm trong giai đoạn 2010-2014.

Trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề của tỉnh Quảng Trị đạt cao nhất (87%). Riêng tỉnh Đăk Nông có tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề giai đoạn 2010-2014 là 68%. Trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề nông nghiệp đạt 80% (người dân dù không học nghề vẫn đang làm nghề nông nghiệp), tỷ lệ lao động có việc làm học các nghề phi nông nghiệp chỉ đạt 62%.

Ông Hoàng Xuân Thành, Đơn vị tư vấn, Tổ chức Oxfam cho rằng, hiệu quả đào tạo nghề thấp do một số chính sách về đối tượng học nghề, mức hỗ trợ học nghề chưa phù hợp với thực tế địa phương. Cơ chế điều phối, liên kết với các bên liên quan còn hàn chế; thiếu cơ chế cụ thể về đặt hàng, liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo ngắn hạn; đào tạo nghề nặng về lý thuyết, ít thực hành…

Lan Hương