Đổi mới hoạt động của các Hợp tác xã: Để bình mới, rượu cũng mới
Trong khi ở nhiều địa phương, việc chuyển đổi hoạt động của các HTX theo luật mới năm 2012 gặp khó khăn, lúng túng thì ở huyện Hải Hậu (Nam Định) việc chuyển đổi đã và đang diễn ra khá bài bản, tập trung, với kết quả nổi bật là nhiều HTX mới, thuộc nhiều lĩnh vực đã được thành lập, đi vào hoạt động. Điều gì đã giúp huyện Hải Hậu thực hiện được việc cần thiết nhưng không dễ triển khai này?
Cùng với các HTX nông nghiệp kiểu mới, huyện Hải Hậu đang xây dựng đề án tích tụ ruộng đất để tăng cường liên kết trong sản xuất NN.
Đổi mới thực chất, không đối phó
Đó là chia sẻ của ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hải Hậu xung quanh câu chuyện đổi mới hoạt động của các HTX trên địa bàn. Theo ông Triển, toàn huyện có 54 HTX, gồm 45 HTX nông nghiệp, 9 HTX diêm nghiệp.
Cũng như ở nhiều địa phương khác, trước khi chuyển đổi, nhiều HTX ở huyện trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả, không có vốn quỹ, nguồn thu chủ yếu dựa vào đóng góp của các hộ dân trên đầu sào, bộ máy quản lý được trả công quá thấp, chỉ 5-600.000 đồng/người/tháng; có HTX nông nghiệp chỉ tồn tại trên danh nghĩa...
“Yêu cầu của sản xuất nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng hiện nay là phải có sự liên kết, với sự tham gia tích cực, hiệu quả của các HTX, các DN với vai trò là người tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ, bao tiêu sản phẩm. Với “sức khỏe” hiện tại, các HTX nông nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu này, cần phải đổi mới, trao cho HTX vai trò, vị thế mới để các HTX hoạt động năng động, hiệu quả hơn, đủ sức cạnh tranh, phát triển”, ông Triển nhìn nhận.
Tuy vậy, theo ông Triển, dù đã có Luật HTX mới, việc chuyển đổi các HTX ở địa phương vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc, nhất là việc bố trí số cán bộ HTX dôi dư; giải quyết số tài sản, vốn quỹ của các HTX...
“Nhiều cán bộ đã gắn bó cả đời với HTX, nay HTX giải thể không tránh khỏi tâm tư, phải sắp xếp sao cho phù hợp. Nếu làm không tốt dễ dẫn đến mất ổn định”, ông nêu thực tế.
Khó là vậy nhưng theo ông Triển, nhận thức rõ vai trò quan trọng của các HTX trong việc xây dựng, hình thành nền sản xuất nông nghiệp hiện đại-yếu tố đặc biệt quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), cấp ủy, chính quyền huyện vẫn quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc đổi mới.
Theo đó, từ cuối năm 2015, UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện, quán triệt, triển khai trong toàn hệ thống chính trị, tới từng cán bộ, đảng viên, từng HTX, từng xã viên, với tinh thần huyện định hướng các phương thức chuyển đổi, mọi quyết định cụ thể do xã viên của các HTX dân chủ bàn thảo, quyết định.
Trên tinh thần định hướng của huyện, cả 54 HTX trên địa bàn sau đó đã tiến hành đại hội, tất cả đều quyết định giải thể HTX cũ.
Về hai vấn đề vướng mắc là con người và tài sản sau giải thể, ông Triển cho biết: “Trước đó huyện thực hiện rà soát, phân loại đội ngũ cán bộ HTX trên địa bàn. Những cán bộ đảm bảo đủ các các tiêu chuẩn về độ tuổi, trình độ, năng lực, trước đại hội cấp xã đã được giới thiệu, bố trí đảm nhiệm các chức danh trong hệ thống chính trị ở địa phương và một số công việc phù hợp khác. Có những cán bộ sau đó được địa phương tín nhiệm, cử giữ các chức danh Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch UB MTTQ xã. Một số khác được bố trí tham gia Ban nông nghiệp xã (Nam Định là một trong những tỉnh đang áp dụng mô hình Ban Nông nghiệp xã). Những người còn lại do tuổi cao hoặc do không đáp ứng đủ các yêu cầu công tác thì tự nguyện xin nghỉ”.
Về tài sản, vốn quỹ, theo thống kê của Phòng NN, ngoài tài sản cố định như đất đai, nhà cửa, có khoảng 10 HTX còn dư số vốn quỹ từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng. Qua kết quả các đại hội thì thấy các HTX đều thống nhất bàn giao tài sản cố định lại cho chính quyền quản lý.
Về xử lý vốn quỹ, các HTX lựa chọn hai hình thức, có nơi thực hiện chia cho các xã viên theo đầu sào, có nơi dùng để xây dựng, kiến thiết hạ tầng ở địa phương.
Cùng thông tin về câu chuyện này, Phó Chủ tịch UB MTTQ huyện Nguyễn Văn Hóa chia sẻ: “Chúng tôi mừng nhất là thực hiện chuyển đổi hoạt động của các HTX, phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến con người, tài sản, tiền bạc, có những vấn đề tồn đọng, kéo dài đã mấy chục năm nhưng cơ bản cán bộ và nhân dân đều đồng thuận, cả huyện không để xảy ra khiếu nại, kiện cáo”.
Tự nguyện, tự góp vốn, tự chia, tự chịu
Đáng nói là, ngay sau khi các HTX cũ được giải thể, trên tinh thần tự nguyện, nhiều cá nhân trên địa bàn huyện Hải Hậu đã lại “tìm đến nhau” để thành lập các HTX mới.
Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp, đến hết tháng 10/2016, toàn huyện đã có 28 HTX được thành lập mới, hoạt động theo nguyên tắc “tự nguyện, tự góp vốn, tự chia, tự chịu”. Trong số này, ngoài các HTX dịch vụ nông nghiệp còn có thêm nhiều HTX chuyên ngành như nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nấm, HTX về môi trường...
Số thành viên của các HTX mới trong khoảng từ 20-40 thành viên/HTX; số vốn góp ban đầu khoảng từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/HTX. “Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào những HTX mới được thành lập này vì sự ra đời của các HTX xuất phát từ nhu cầu của đời sống, từ tâm huyết, công sức, tiền bạc của những người nặng lòng, gắn bó với HTX”, ông Triển tâm sự.
Cũng theo Trưởng Phòng NN huyện, với cơ sở pháp lý là Luật HTX năm 2012, định hướng, chỉ đạo của huyện và nhu cầu thực tế ở địa phương thì trong một hai năm tới, trên địa bàn huyện sẽ có khoảng 150 HTX mới được thành lập.
Trong đó, huyện định hướng mỗi một xã trong 35 xã, thị trấn của huyện có ít nhất một HTX dịch vụ nông nghiệp; ở các xã ven biển là các HTX về nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, các HTX về muối. Đặc biệt, xuất phát từ nhu cầu, tới đây các HTX có tính chuyên nghành như chăn nuôi, môi trường vv...sẽ được thành lập rất nhiều.
“Huyện đang tập trung xây dựng, triển khai đề án tích tụ ruộng đất. Cùng với các HTX nông nghiệp kiểu mới, chúng tôi nhìn nhận tích tụ ruộng đất là một trong hai yếu tố quan trọng làm thay đổi căn bản hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Trên thực tế ở đây đã và đang xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp có tính liên kết. Chẳng hạn như mô hình liên kết sản xuất gạo sạch ở các xã Hải Quang, Hải Hà, Hải Phúc, Hải Thanh; sản xuất rau sạch ở xã Hải An, thị trấn Thịnh Long. Ở đó, các DN đóng vai trò cung cấp giống,vốn, bao tiêu sản phẩm; các HTX và nông dân tổ chức sản xuất”, ông cho hay.
“Tôi vẫn phải mang sổ đỏ của gia đình đi thế chấp”
Tại trụ sở HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Trung (xã Hải Hưng), một trong 28 HTX mới được thành lập ở huyện Hải Hậu, chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Thanh Nghị, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết: “Sau khi HTX cũ được giải thể, 19 anh em chúng tôi, vốn là những người gắn bó với HTX, có cả các anh em đang làm trưởng thôn, đội trưởng đội sản xuất rủ nhau thành lập HTX mới; cùng góp với nhau được 600 triệu đồng làm vốn hoạt động, riêng tôi góp 100 triệu đồng. Khi HTX được thành lập, chính quyền xã quan tâm cho mượn lại trụ sở HTX cũ làm văn phòng, do vậy không phải đi thuê”.
Cũng theo ông Nghị, từ khi thành lập mới, HTX tập trung vào làm mấy khâu dịch vụ gồm làm đất, thủy nông dẫn nước, diệt chuột, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật.
“Doanh thu lớn nhất của HTX là từ nguồn thu làm 600 mẫu đất cho bà con ở địa phương. Bộ máy gọn nhẹ, việc làm ổn định, chi phí tiết kiệm nên HTX bước đầu đảm bảo có lãi cho những người góp vốn và trả lương cho bộ máy”, ông Nghị cho biết thêm.
Tuy nhiên, trong câu chuyện, ông Nghị vẫn băn khoăn một nỗi, đó là HTX cũng là một tổ chức kinh tế nhưng khi đi vay vốn hoạt động vẫn bị các ngân hàng từ chối, không cho vay, với lý do tài sản thế chấp của HTX là của tập thể, không có ai chịu trách nhiệm trả nợ. Theo ông Nghị, đây là một bất cập, không công bằng với các HTX.
“Để vay được vốn cho HTX, tôi vẫn phải mang sổ đỏ của gia đình đi thế chấp. Vợ tôi cũng phải ký tên vào mới vay được”, ông nêu thực tế.