Tận diệt thủy sản mùa lũ

Đoàn Xá 30/11/2016 11:00

Năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu mùa nước nổi (mùa lũ) tràn về từ thượng nguồn sông Mê Kông là mùa khai thác thủy sản của hàng ngàn người dân ở Long An, Đồng Tháp, An Giang… lại bắt đầu. Hiện nay, do nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm trong khi giá trị lại tăng cao cũng là lúc những phương pháp đánh bắt tận diệt xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Tận diệt thủy sản mùa lũ

Các loại dớn, một dụng cụ bị cấm đánh bắt đặt kín cánh đồng ở Tân Hưng.

Nguồn lợi cá tôm rất lớn

Thời điểm này, nước nổi vẫn đang tràn ngập nhiều cánh đồng vùng Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp) hay Vĩnh Hưng, Tân Hưng (Long An).

Theo dự báo, nước nổi còn tràn đồng tới tận cuối tháng 12. Đây cũng là mùa thu hoạch thủy sản chính của người dân vì nguồn lợi cá tôm rất lớn.

Do mùa khai thác chỉ kéo dài chừng hơn 2 tháng nên nhiều người đã “tranh thủ” thời gian để khai thác tối đa. Tuy nhiên, khi mà nguồn lợi thủy sản ngày một ít đi nhưng các phương tiện đánh bắt lại hiện đại, kèm theo sự thiếu ý thức của người dân đã dẫn tới tình trạng đánh bắt tận diệt. Thậm chí, nhiều dụng cụ, phương pháp đánh bắt bị hạn chế, bị cấm sử dụng như lưới điện, thuốc … cũng được sử dụng công khai.

Theo quan sát của chúng tôi, dọc tuyến kênh 79 đi qua các xã Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) hiện nay được “vây kín” bởi các loại dớn đặt liền kề nhau.

Từ vài năm qua, phương pháp đánh bắt thủy sản bằng đặt dớn mắt nhỏ đã được cảnh báo và cấm ở một số nơi do tính tận diệt, hủy hoại môi trường của loại ngư cụ này.

Theo anh Trần Văn Thuận, một cán bộ của Khu bảo tồn Ramsar Láng Sen (huyện Tân Hưng) thì năm nào cũng vậy, khi nước lũ tràn các cánh đồng cũng là lúc dớn được thả kín, kéo dài cả mấy cây số.

“Hầu như tất cả các loài cá. Khi đi qua các cánh đồng ở đây đều vào túi dớn chứ không thoát đi đâu được. Ngoài việc đặt liền kề để chắn dòng cá di chuyển, các loại dớn kép đặt so le đã khiến cho không có bất cứ loài thủy sản nào có thể thoát được. Do đặc điểm vùng này ở biên giới giáp với Campuchia lại trũng thấp nên tôm cá nhiều, đa dạng. Và đó cũng là nguyên nhân khiến cho mật độ các loại ngư cự xuất hiện nhiều hơn, dày đặc hơn. Ban ngày thì lưới, dớn ban đêm thì các loại te điện trên ghe chạy xình xịch suốt. Ngày nào mỗi ghe cũng thu được hàng chục ký thủy sản các loại, từ lớn đến nhỏ đều bị khai thác hết. Không những ở ven kênh, trên đồng, nhiều nơi thuộc Khu bảo tồn Ramsar Láng Sen cũng bị người dân lén lút khai thác tận diệt. Chả mấy chốc mà chính khu bảo tồn cũng chẳng còn nguồn lợi thủy sản gì nữa”, anh Thuận ngao ngán.

Đánh bắt tận diệt

Theo tìm hiểu, tình trạng đánh bắt tận diệt bằng các nghề thủ công diễn ra ở nhiều địa phương dịp mùa nước nổi. Mặc dù đã có nhiều biện pháp cấm các phương tiện đánh bắt này, nhưng do địa bàn mùa nước nổi rộng lớn khó kiểm soát.

Đặc biệt, hầu hết các loài thủy sản mùa nước nổi đều đang là “đặc sản” có giá trị lớn nên người dân bất chấp để khai thác. Ước tính, những loại cá lóc, cá trê, cá rô… hiện nay đều có giá khoảng từ 80-100 ngàn đồng/kg, thậm chí cá linh còn có giá lên đến 150-180 ngàn đồng/kg khiến lượng người tham gia khai thác càng nhiều.

Hầu hết các loại thủy sản sau khi khai thác được có thương lái thu mua ngay tại các địa điểm ven tuyến quốc lộ N2, các đường tỉnh trong vùng để mang về TP HCM tiêu thụ.

Ngoài ra, theo nhiều người dân ở các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) thì ngày nay nguồn thủy sản tự nhiên không chỉ có giá cao trên thị trường mà còn có ý nghĩa đối với cả những hộ nuôi thủy sản.

Do mùa nước nổi có nhiều loại cá quý đặc trưng như cá lóc đồng, cá trê, cá thác lác… nên các vựa nuôi cá thường thu mua con giống với giá cao để làm giống, ương cá non và nuôi.

Có thể nói, nhu cầu của thị trường lớn mà mà đánh bắt chỉ kéo dài khoảng từ 2-3 tháng theo mùa nước nổi nên số lượng người tham gia rất đông, không kiểm soát nổi.

Hậu quả của nó, ngoài việc làm suy kiệt nguồn lợi thiên nhiên thì còn gây mất cân bằng hệ sinh thái trong khu vực, thủy sản không có khả năng tái tạo mùa tiếp theo. Hơn nữa, do đây là khu vực đầu nguồn của sông Tiền, sông Hậu nên những hậu quả này còn kéo theo cả ở vùng hạ lưu.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, mặc dù đã có các quy định về việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở các sông ngòi, kênh rạch và mùa nước nổi nhưng chủ yếu là tuyên truyền để người dân tự nguyện không vi phạm chứ không thể có biện pháp ngăn chặn.

Do khai thác thủy sản mùa nước nổi là tập quán lâu đời, lại diễn ra ở hầu khắp nơi nên không thể kiểm soát, xử phạt các hành vi vi phạm được. Tình trạng người dân sử dụng lưới đáy, lưới dớn đơn, dớn kép, te điện… đã bị cấm nhưng vẫn xuất hiện.

Đoàn Xá