Mỗi năm có thêm một điểm sáng
Ngày 30/11, Hội nghị tổng kết cụm thi đua Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc năm 2016 tại Lào Cai đã ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn, chân tình của đội ngũ những người làm công tác Mặt trận đến từ các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên - một vùng phên dậu của Tổ quốc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng luôn mang trọng trách chiến lược trong phát triển kinh tế, đặc biệt là an ninh quốc phòng.
Dự hội nghị có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai Hà Thị Nga và các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.
Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân
Có hai đặc điểm nổi bật nhất, dễ nhận thấy nhất của các tỉnh miền núi biên giới là có chung đường biên tiếp giáp với Lào, Trung Quốc và là nơi sinh sống của đồng bào hơn 20 dân tộc như Thái, Mường, H'Mông, Dao, Tày, Nùng...
Bởi vậy, công tác Mặt trận của các tỉnh này, trước tiên phải tập trung vào công tác dân tộc, công tác đối ngoại nhân dân và vận động đồng bào tham gia bảo vệ an ninh biên giới.
Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, tất cả những công tác này cần gắn bó mật thiết với chủ đề mà hội nghị đề cập: tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM - giảm nghèo bền vững.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững là hai chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội chọn để tập trung thực hiện cho giai đoạn 5 năm tới (2016 - 2020) thay cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia dàn trải trên nhiều lĩnh vực trước đây.
Và việc UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động mới “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với giảm nghèo bền vững trong thời điểm đó có ý nghĩa rất quan trọng vì mục đích cuối cùng cũng không nằm ngoài mong mỏi này.
Tham gia xây dựng NTM, Lào Cai là một trong 13 tỉnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương về xây dựng NTM, đến năm 2016 tiếp tục có 7 xã hoàn thành việc xây dựng NTM.
Theo ông Giàng Seo Vần, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, Cụm trưởng cụm thi đua Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc năm 2016 thì bài học trong việc xây dựng thành công NTM chính là phát huy được vai trò chủ thể của người dân.
Kinh nghiệm xây dựng NTM - đô thị văn minh của Lạng Sơn là đã phối hợp với 5 tổ chức đoàn thể để mỗi một tổ chức đảm nhiệm một nhiệm vụ cụ thể… Hiện Lạng Sơn đã có 24 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2016.
Với đồng bào dân tộc có số lượng ít người như dân tộc Mông, Hoa, theo bà Nông Thị Lâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Namtỉnh Lạng Sơn, MTTQ tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn tới đời sống của đồng bào, từ đó, tỉnh cấp xi măng cho các thôn bản để làm đường giao thông nông thôn phục vụ người dân.
Đặc thù của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở của các tỉnh miền núi biên giới chủ yếu là những người uy tín tiêu biểu. Họ là người dân tộc, sống trong dân thì sẽ hiểu dân hơn ai hết vì thế họ có tiếng nói của đồng bào dân tộc, có cách tuyên truyền, vận động của riêng mình và có cách nói để đồng bào tin. Tất cả những chủ trương chính sách của Đảng, các cuộc vận động của Mặt trận muốn đến được với dân, chắc chắn là phải nhờ đến họ.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vận động không phải lúc nào cũng được như mong muốn, nhất là đối với những vùng đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa.
Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La Lường Thị Phưa chia sẻ, do lực lượng cán bộ ở cơ sở còn mỏng, trình độ của người dân và ý thức tự giác của người dân còn kém cùng với đó địa hình hiểm trở nên công tác vận động tuyên truyền của Mặt trận còn gặp rất nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến việc hoàn thành một số tiêu chí trong xây dựng NTM.
Điều mà bà Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh Sơn La trăn trở lúc này là làm thế nào để Sơn La hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM, tăng thu nhập của người dân là 25trieu/người/năm, giảm tỉ lệ hộ nghèo và nâng cao đời sống vật chất của người dân.
Quang cảnh hội nghị.
“Muốn làm được điều này, việc nâng cao nhận thức trong dân là rất quan trọng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động, đặc biệt nâng cao vai trò của già làng trưởng bản để tuyên truyền các đề án của UBTƯ MTTQ Việt Nam”, bà Lường Thị Phưa khẳng định.
Pháy huy vai trò của các tổ chức thành viên
Biểu dương những thành tích đã đạt được của Cụm thi đua các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc trong năm 2016, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là những tỉnh có vị trí, vai trò rất quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận đó là cuộc sống của người dân ở đây còn quá nhiều khó khăn trong khi dân cư phân tán, tỷ lệ nghèo và cận nghèo cao, giáo dục y tế còn gặp nhiều khó khăn dù Nhà nước hỗ trợ nhiều.
Bài học từ quá trình dựng nước và giữ nước cho thấy việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân rất quan trọng, đặc biệt là ở vùng biên giới. Vì vậy, cần phải có các chính sách hỗ trợ nhân dân vùng biên phát triển kinh tế, cụ thể là trong công tác xây dựng NTM vùng biên giới của Mặt trận cần gắn chặt với thế trận an ninh quốc phòng.
Muốn làm những việc này, công tác Mặt trận phải đổi mới để phát huy dân chủ của người dân trong việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong các chương trình giám sát, trong các cuộc vận động. Việc đổi mới này trước hết cần tập trung trong công tác tổ chức cán bộ, tạo điều kiện chính sách cho đội ngũ cán bộ, nhất là những người thực hiện ở cơ sở.
Đặc biệt, trong mọi việc của Mặt trận, muốn làm tốt công tác Mặt trận phải đề cao sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể.
Đại biểu đại diện tỉnh Cao Bằng, Hà Giang tại hội nghị.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, đây là thế mạnh mà Mặt trận nơi nào cũng phải phát huy vì các tổ chức đoàn thể họ có hội viên, đoàn viên và họ có những mô hình rất cụ thể để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên của mình chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, phát triển kinh tế, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, Mặt trận 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc cũng cần nâng cao vai trò giám sát trong công tác di dân, ổn định sau tái định cư cho người dân các vùng thuỷ điện Sơn La, Lai Châu.
Với đặc thù có hàng trăm km đường biên giới tiếp giáp với Lào, Trung Quốc, việc nâng cao chất lượng Cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với công tác đối ngoại nhân dân, gắn với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cũng là những nội dung cần đặc biệt chú trọng.
Năm 2017 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và cũng là năm giữa nhiệm kỳ, thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII MTTQ Việt Nam, có tính chất then chốt quyết định đến thành công của cả nhiệm kỳ, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc phối hợp với các tổ chức thành viên cần tiếp tục triển khai Đề án đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam, nắm rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân, làm cho dân tin, từ đó phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Hội nghị tổng kết công tác thi đua Uỷ ban MTTQ Việt Nam các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc năm 2016, cũng là hội nghị tổng kết đầu tiên trong các cụm thi đua trên toàn quốc.
Ông Trần Thanh Mẫn bày tỏ mong mỏi, với sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ Mặt trận 7 tỉnh miền núi biên giới, mỗi năm, cụm thi đua sẽ có thêm một điểm sáng.
Trên tinh thần khách quan, dân chủ, đoàn kết, hội nghị đã thực hiện việc bình xét, suy tôn các danh hiệu khen thưởng để đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của UBTƯ MTTQ Việt Nam xem xét, quyết ðịnh.
Hội nghị cũng đã đề cử Điện Biên là Cụm trưởng cụm thi đua Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc năm 2017.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn Nông Thị Lâm: Chủ động giám sát phản biện những nội dung mà người dân bức xúc Trong giám sát vấn đề xây dựng NTM, chúng tôi đã kiến nghị tỉnh xem lại các nguồn lực để xây dựng đời sống người dân thiết thực hơn cùng với đó là giám sát đơn thư khiếu nại, tổ chức phản biện những dự án, chính sách. Đơn cử như việc xây dựng cây cầu Kỳ Cùng, nhiều người dân phản ánh, có một số suất “đối ngoại” trong giải phóng mặt bằng nên đã kê khống số lượng. Chúng tôi không biết suất ”đối ngoại” là những suất nào nhưng mục tiêu là phải làm để trả lời rõ với dân. MTTQ Lạng Sơn đã tổ chức thành công hội thảo phản biện từ đó kiến nghị lên HĐND tỉnh những ý kiến xác đáng và được UBND tỉnh và HĐND tỉnh xem xét, đánh giá cao. Ông Giàng Seo Vần, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai: Lắng nghe nhân dân qua phiếu ý kiến của người uy tín, tiêu biểu Trong việc nắm bắt tình hình tư tưởng và nguyện vọng nhân dân, định kỳ hàng tháng, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã gửi phiếu xin ý kiến nhân dân từ các vị uỷ viên uỷ ban của Mặt trận tỉnh, huyện các chức sắc, chức việc, những người có uy tín. Lào Cai hiện có 1.994 người có uy tín, chính vì vậy việc nắm bắt tư tưởng của nhân dân kịp thời thông qua vai trò người có uy tín, tiêu biểu đã góp phần thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt trong việc tổ chức bầu cử, hiện Lào Cai có hơn 10 nghìn người lao động tại Trung Quốc, để đảm bảo được số lượng cử tri đi bầu, MTTQ tỉnh đã vận động từng gia đình cung cấp số điện thoại của từng người để liên lạc và chỉ có 648 người vắng mặt. |
Trong 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, hiện Lào Cai đã Ký Chương trình phối hợp hàng năm với Chính hiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tổ chức nhiều hoạt động giao lưu. MTTQ Lạng Sơn xây dựng và duy trì các cụm dân cư kết nghĩa với các cụm dân cư của các địa phương của Trung Quốc. Về công tác tuyên truyền, các địa phương như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu đã duy trì tốt trang web của MT tỉnh, Bản tin Công tác Mặt trận; phối hợp tuyên truyền trên các Báo và Đài PT-TH tỉnh. |
Một số hình ảnh tại hội nghị: