Dừng tuyển sinh hệ TC, CĐ: Ổn định quy mô để tăng chất lượng
Theo lộ trình 2015-2020 Bộ GD&ĐT đưa ra, những trường ĐH có đào tạo trình độ CĐ sẽ buộc phải giảm chỉ tiêu ít nhất 30% mỗi năm tính từ năm 2015, tiến tới ngưng tuyển sinh hệ cao đẳng trước năm 2020. Với những cơ sở có đào tạo hệ trung cấp buộc phải dừng tuyển sinh hệ đào tạo này trước năm 2017, ghi nhận tại nhiều trường ĐH cho thấy hệ trung cấp, CĐ đã được các trường ngưng đào tạo từ năm 2017.
Ảnh minh họa.
Theo lãnh đạo trường ĐH Văn hóa TP HCM, kể từ năm 2017 nhà trường dự kiến ngừng tuyển sinh hệ CĐ ở tất cả các ngành, thay vào đó chỉ tiêu chỉ tiêu đào tạo bậc này sẽ chuyển lên bậc ĐH.
Tương tự, ĐH Công nghệ TP HCM, ĐH Kinh tế tài chính TP HCM, ĐH Giao thông vận tải TP HCM cũng cho biết dừng tuyển sinh CĐ trong năm 2017. Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM cho biết, vẫn tiếp tục tuyển sinh bậc CĐ trong năm 2017 và dừng hẳn trong năm 2018.
Nhìn nhận thực trạng này, GS Trần Hồng Quân (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng, đây là quyết định sáng suốt của các trường ĐH. Bởi trong một thời gian vừa qua, hệ thống giáo dục ĐH, CĐ của chúng ta phát triển quá nhanh, với trên 450 trường, nhưng ngành giáo dục lại không kiểm soát hết được hoạt động của các trường như thế nào.
Mặt khác, Bộ GD&ĐT đã cho mở ngành, nâng cấp hệ trung cấp lên CĐ và từ CĐ lên ĐH quá dễ dàng nhưng nhiều trường không thực hiện đúng cam kết về cơ sở vật chất, số lượng giảng viên cơ hữu đạt trình độ cao phục vụ cho giảng dạy. Nhiều trường chưa chú trọng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực mà chỉ quan tâm đến việc thu hút người học, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động chưa cao. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ và số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đáng báo động ở Việt Nam là hệ quả của quá trình này.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 450 trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập. Mùa tuyển sinh 2016, nhiều trường ĐH, CĐ và trung cấp cho biết không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có những mã ngành phải tạm dừng, trả lại học phí cho người đã đăng ký cho thấy đã đến lúc các trường cần phải nghĩ tới việc phải tự đổi mới, cải tiến chất lượng. Nếu trong một thời gian được gia hạn, các trường không tự đổi mới thì Bộ GD&ĐT nên nghĩ tới việc đình chỉ hoạt động.
Để làm được điều đó, theo một chuyên gia giáo dục, Bộ GD&ĐT cần tăng cường thanh, kiểm tra các trường để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình đã cam kết theo từng năm. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng hướng tới giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH theo hướng dựa vào năng lực đào tạo, cơ sở vật chất thực tế của từng trường. Đồng thời với đó là thực hiện phân tầng, xếp hạng các trường đại học theo chiều hướng: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn yêu cầu dừng xác định chỉ tiêu đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong các trường ĐH, đảm bảo quy định về dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017. Mặc dù chỉ tiêu CĐ có thể đẩy lên ĐH nhưng các cơ sở đào tạo trực thuộc không tăng chỉ tiêu đào tạo chính quy nhằm ổn định quy mô để nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với các trường có đào tạo giáo viên, do số lượng đào tạo ngành sư phạm hiện nay đã vượt so với nhu cầu của xã hội, nên đề nghị tiếp tục giảm chỉ tiêu sư phạm tuyển mới.
Đồng thời, chỉ tiêu vừa học vừa làm được xác định tối đa bằng 30% chỉ tiêu chính quy, chỉ tiêu đào tạo từ xa năm 2017 không tăng hoặc điều chỉnh giảm so với năm 2016 do việc thực hiện chỉ tiêu này những năm qua đạt tỷ lệ thấp.
Các chỉ tiêu dự bị ĐH, phổ thông dân tộc nội trú, năng khiếu về cơ bản giữ ổn định như năm 2016, chỉ tiêu dự bị đại học xác định dựa trên nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ, nhu cầu nhân lực cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.