Thỏa thuận lịch sử chấm dứt cuộc chiến kéo dài 52 năm ở Colombia

02/12/2016 08:25

Quốc hội Colombia đã phê chuẩn một thỏa thuận hòa bình lịch sử với tổ chức nổi dậy lớn nhất nước này trong ngày 1/12, làm nảy sinh hy vọng rằng cuộc chiến kéo dài nhất ở khu vực Mỹ Latin cuối cùng cũng đến hồi chấm dứt.

Thỏa thuận hòa bình với FARC đã được Quốc hội Colombia phê chuẩn. (Nguồn: CNN).

Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ 2 tháng sau khi cử tri trong nước bác bỏ một thỏa thuận hòa bình tương tự trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. Nhưng với nhiều thay đổi trong thỏa thuận, Tổng thống Juan Manuel Santos cuối cùng cũng làm cho bản thỏa thuận lịch sử này được thông qua. Cuộc chiến ở Colombia, bắt đầu từ năm 1964, đã khiến ít nhất 220.000 người thiệt mạng và 7 triệu người mất nhà cửa.

Hạ viện Colombia đã thông qua thỏa thuận này với số phiếu tuyệt đối (toàn bộ nghị sĩ có mặt lúc bỏ phiếu) với số phiếu 130-0, chỉ một ngày sau khi Thượng viện phê chuẩn, dọn đường cho các chiến binh FARC hạ vũ khí và bắt đầu gia nhập chính trường Colombia. Những người phản đối thỏa thuận hòa bình này đã không tham gia vào cuộc bỏ phiếu.

“Tôi thể hiện lòng biết ơn đối với Quốc hội vì đã ủng hộ thỏa thuận hòa bình của Colombia” - ông Santos viết trên tài khoản Tweeter cá nhân.

Trong vài tuần qua, Tổng thống Santos cùng đội ngũ các nhà đàm phán của ông đã rất vất vả mới giữ được thỏa thuận này, bởi đó là sản phẩm của 5 năm đàm phán với các thủ lĩnh FARC - còn gọi là Các lực lượng Cách mạng Vũ trang Colombia. Ông Santos đã gặp gỡ rất nhiều với những người phản đối thỏa thuận, những người cho rằng ông đang quá nhân nhượng đối với các hành động khủng bố, bắt cóc, ám sát… của phe nổi dậy.

Chính phủ sau đó đã trở lại bàn đàm phán với phe nổi dậy và đạt được thỏa thuận mới, tuy nhiên FARC vẫn giữ nguyên yêu sách rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải có điều khoản cho phép họ thành lập một đảng chính trị và được phép bầu cử một khi đã buông súng.

Hiện vẫn còn nhiều điều bất trắc còn chờ đợi phía trước, trong khi những người ủng hộ thỏa thuận hòa bình lo lắng về việc liệu tiến trình hòa bình sẽ diễn ra nhanh hay chậm.

Tổng thống Santos, người sẽ được trao giải Nobel Hòa bình vào ngày 10/12 tới vì nỗ lực chấm dứt cuộc chiến kéo dài 52 năm qua, lần này đã lựa chọn không tổ chức trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình mà chuyển thẳng nó cho Quốc hội, nơi mà ông nhận được sự ủng hộ từ đa số nghị sĩ.

Thỏa thuận được xem xét lại này, dài 310 trang, dành cho hệ thống pháp lý của Colombia thêm quyền lực để kiểm soát việc thực thi thỏa thuận, đảm bảo quyền sở hữu tài sản của các chủ đất sẽ được tôn trọng.

Tuy nhiên, quyết định của ông Santos đã khiến giới chính trị gia bảo thủ ở Colombia tức giận và có khả năng thỏa thuận hòa bình này sẽ trở thành vấn đề gây tranh cãi trong năm tới, khi cuộc bầu cử Tổng thống ở nước này bắt đầu. Tại Hạ viện gồm 166 ghế, những người phản đối thỏa thuận này đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu và rời khỏi Quốc hội để phản ứng.

Và dù Quốc hội đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận này, nó vẫn cần phải trải qua hàng loạt quy trình để có thể được thực thi và khởi động một tiến trình mà trong đó FARC sẽ từ bỏ vũ khí.

Một trong số các biện pháp đang chờ được phê chuẩn là một bộ luật ân xá một số tội phạm chính trị của FARC. Thông thường, việc thông qua một bộ luật như vậy sẽ phải mất nhiều tháng.

Ông Adam Isacson, một chuyên gia phân tích về Colombia thuộc Văn phòng Washington về vấn đề Mỹ Latin, nói rằng lệnh ngừng bắn có thể sẽ bị hủy hoại dần nếu như các biện pháp trên không được phê chuẩn sớm.

Để tránh sự chậm trễ có thể có, chính quyền Colombia hy vọng thúc đẩy nhanh việc thông qua các bộ luật mới, cho phép phe nổi dậy khởi động quá trình giải giáp vũ khí và di chuyển tới các trại của LHQ trong vòng vài tuần tới. Tuy nhiên, mọi việc còn phải tùy thuộc vào phán quyết của Tòa án Hiến pháp nước này.

Theo các điều khoản nằm trong thỏa thuận hòa bình, chính phủ cam kết sẽ tăng gấp đôi khoản vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn và tổ chức tái định cư cho các gia đình bị mất nhà trong chiến sự. Thỏa thuận cũng buộc FARC phải hỗ trợ tài chính đối với các nạn nhân của họ bằng nguồn tiền mà tổ chức này thu được từ các hoạt động bất hợp pháp trước kia.