Lộ bằng giả, nhiều cán bộ bị kỷ luật
Từ sự tố giác của người dân và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhiều tấm văn bằng giả của cán bộ công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được phơi bày trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều khiến người dân bức xúc là những vị cán bộ này không học hành, sử dụng bằng giả để lòe thiên hạ và leo lên được nhiều chỗ cao.
Bản phô tô bằng tốt nghiệp giả của ông Son vừa bị kỷ luật.
Không học vẫn có bằng
Ngày 1/12, ông Nguyễn Ngọc Minh - Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cho biết: Liên quan đến việc 4 cán bộ xã Quảng Tâm sử dụng bằng cấp 3 giả sau khi Báo Đại Đoàn Kết đăng tải, qua kiểm tra, UBND huyện đã phát hiện sự việc báo nêu là đúng sự thật và huyện đã tiến hành xử lý kỷ luật đối với 4 cán bộ xã này.
Cụ thể, ông Điểu Phi Á, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã bị cách chức Bí thư Đảng ủy xã; cảnh cáo về mặt chính quyền đối với chức vụ Chủ tịch HĐND xã.
Các ông: Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch HĐND xã; Lê Duy Tôn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã; Trần Xuân Quang, Trưởng Công an xã bị cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền. Hiện vụ việc đang được Phòng Nội vụ huyện hoàn thiện hồ sơ, tham mưu cho huyện về hình thức xử lý theo hướng cách chức.
Trước đó, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết thường trú tại Tây Nguyên nhận được đơn tố cáo của người dân về việc 4 cán bộ chủ chốt xã Quảng Tâm không tham gia học bổ túc nhưng vẫn có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông và từ đó leo lên nắm các chức vụ quan trọng ở địa phương.
Phóng viên đã tìm hiểu, xác minh sự việc: Đối với ông Điểu Phi Á mặc dù có tên trong hồ sơ đăng ký học tại Trung tâm GDTX Đăk R’Lấp các năm 2006, 2007, tuy nhiên trong các kỳ thi tốt nghiệp này thì ông đều thi trượt, nhưng ông Điểu Phi Á vẫn có một tấm bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông loại Khá, với số hiệu bằng 2176381/BTPT hệ bổ túc trúng tuyển kỳ thi ngày 28/5/2008 tại Hội đồng thi Trung tâm GDTX Đăk R’Lấp và được Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông Nguyễn Văn Hòa ký cấp bằng ngày 25/11/2008.
Còn các ông Trần Xuân Quang; Lê Duy Tôn, Nguyễn Thanh Sơn dù không có tên trong danh sách đăng ký học tại Trung tâm GDTX Đăk R’Lấp một ngày nào nhưng các ông này vẫn có được bằng cấp 3 công nhận đã tốt nghiệp.
Cụ thể, ông Lê Duy Tôn không học ở Trung tâm GDTX Đăk R’Lấp một giờ nào nhưng vẫn ghi trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT tại Hội đồng thi Trung tâm GDTX Đăk R’Lấp ngày 31/6/2006 và được Sở GĐ&ĐT cấp bằng ngày 20/11/2006.
Hai ông Quang và Sơn không học tại Trung tâm GDTX Đăk R’Lấp nhưng vẫn thi đậu tại Trung tâm GDTX Đắk Mil khóa thi ngày 18/8/2007 và cùng được Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cấp bằng ngày 15/11/2007.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Hưng-Giám đốc Trung tâm GDTX Đăk R’Lấp khẳng định: Đối với 2 trường hợp thi tại hội đồng TTGDTX Đăk R’Lấp (gồm ông Điểu Phi Á và Lê Duy Tôn) 2 người này không có tên trong sổ cấp phát bằng và dãy số hiệu bằng cũng không nằm trong phạm vi cấp phát bằng của năm tương ứng. Cũng theo ông Hưng thì Sở GD-ĐT ít khi cấp bằng vào tháng 11 hàng năm như các bằng mà 4 cán bộ này đang dùng.
Liên tiếp phát hiện cán bộ dùng bằng giả
Chỉ tính từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận và xử lý kỷ luật 16 trường hợp cán bộ đang công tác ở xã và huyện sử dụng bằng cấp giả.
Cụ thể như vào tháng 7/2015, từ những đơn thư tố cáo của người dân sau khi xác minh, điều tra, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) đã phát hiện 10 cán bộ của xã Quảng Tân (huyện Tuy Đức) sử dụng bằng cấp 3 bất hợp pháp gồm: Ông Điểu Srang - Huyện ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy xã; ông Nguyễn Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã; ông Hà Huy Đoàn- Phó Chủ tịch UBND xã; ông Nguyễn Đình Thuyên - Phó Chủ tịch HĐND xã; ông Hoàng Văn Lãng - Chủ tịch Hội Nông dân xã; bà Trần Thị Thúy Hằng-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã; ông Dương Văn Châu -Trưởng Công an xã; ông Nguyễn Văn Thông - công an viên xã; ông Châu Phúc Quang - chuyên viên UBND xã và ông Châu Phúc Tuấn - công an viên xã.
Qua xác minh làm rõ các ông Điểu S’rang, Nguyễn Đình Thuyên, Nguyễn Văn Tám và Dương Văn Châu đã thừa nhận không đi học bổ túc THPT, mà nhờ người quen làm giúp bằng giả. Trong bản kiểm điểm của mình, 6 cán bộ còn lại cũng khai báo đã sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp lệ.
Vào ngày 13/5/2016, UBND huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã có Quyết định số 401/QĐ-UBND cách chức Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, đối với ông Phạm Đức Châu do sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Qua đơn thư tố cáo của công dân, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đắk Mil đã lập đoàn đi kiểm tra xác minh được biết, trong hồ sơ ông Châu kê khai học phổ thông trung học (giai đoạn 1983 - 1986) ở tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên đối chiếu tại Sở GD-ĐT Thanh Hóa thì không có tên Phạm Đức Châu được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Để che đậy sự gian dối của mình trong quá trình công tác tại xã Đắk Gằn, ông Châu đã khai tới 4 cái tên là: Phạm Đức Châu, Phạm Như Châu, Phạm Hữu Dũng, Phạm Như Dũng… để leo từ công chức Tư pháp xã lên chức Chủ tịch xã.
Mới đây nhất là trường hợp bà Lê Thị Mỹ (SN 1981, Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Đắk Rlấp) cũng bị phát hiện sử dụng bằng tốt nghiệp Cử nhân Luật (hệ mở) của Trường Đại học Luật TP HCM không hợp pháp.
Trước những vụ việc liên tiếp được phát hiện, dư luận đang đặt câu hỏi liệu còn bao nhiêu trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa bị phát hiện. Và tỉnh Đắk Nông sẽ có những biện pháp như thế nào để chấn chỉnh tình trạng cán bộ không đi học vẫn có bằng cấp để được quy hoạch, bổ nhiệm…